10:03:31 | 12/3/2023
Bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư theo đối tác và địa chỉ cụ thể, tỉnh Hà Nam cũng chú trọng “xúc tiến tại chỗ” thông qua hỗ trợ hiệu quả các dự án đang triển khai trên địa bàn, tháo gỡ những “nút thắt” về môi trường kinh doanh. Phóng viên Vietnam Business Forum có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lượng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam về nội dung này.
Những đánh giá của ông về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh Hà Nam thời gian qua?
Xác định thu hút đầu tư là động lực chính tạo đột phá trong phát triển kinh tế, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút được nhiều DN lớn đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Trong năm 2022, toàn tỉnh thu hút 62 dự án (bằng 126,5% so với năm 2021), trong đó có 17 dự án FDI và 45 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 175 triệu USD và 19.990,7 tỷ đồng. Hiện có 14 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó lớn nhất là Hàn Quốc với 149 dự án với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD; kế đến là Nhật Bản với 111 dự án và số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD.
Thời gian gần đây, Hà Nam không chỉ thu hút được nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp mà còn là điểm đến của các dự án thương mại, dịch vụ, nổi bật có thể kể đến các dự án: Nhà máy sản xuất, lắp ráp và gia công bóng đèn LED của Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD; Nhà máy sản xuất màn hình LCD-QISDA Việt Nam của Công ty Qisda Corporation vốn đầu tư 263 triệu USD; Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao của Công ty Wistron Corporation vốn đầu tư 274 triệu USD; Tổ hợp khách sạn Mường Thanh Hà Nam vốn đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án xây dựng Tổ hợp thương mại - dịch vụ tổng hợp Hà Nam của Vingroup vốn đầu tư 570 tỷ đồng,…
Với quan điểm thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc các dự án tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng sử dụng ít công nhân; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, tỉnh Hà Nam tập trung hướng đến việc kêu gọi các DN nước ngoài có thế mạnh phù hợp với định hướng của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh luôn đồng hành cùng DN, tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 789 DN và 63 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 18% so với năm 2021 với tổng vốn đăng ký 10.815 tỷ đồng, tăng 4,5%; luỹ kế đến nay toàn tỉnh có 8.215 doanh nghiệp được thành lập, 5.500 DN đang hoạt động.
Công tác quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư được tỉnh Hà Nam được chú trọng ra sao, đâu là nét mới nổi bật, thưa ông?
Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ theo đối tác và địa chỉ cụ thể, tỉnh cũng chú trọng “xúc tiến tại chỗ” với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, nhất là thông qua việc đổi mới hoạt động hỗ trợ phát triển DN.
Trước hết, tỉnh thường xuyên trao đổi, liên lạc, thiết lập mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước để phối hợp, tham gia các hội thảo, hoạt động xúc tiến đầu tư. Trong các chuyến xúc tiến đầu tư, đoàn công tác của tỉnh đặc biệt chú ý đến các tập đoàn lớn, những DN đang quan tâm đầu tư vào Hà Nam để trực tiếp gặp gỡ, mời gọi đầu tư: Giới thiệu những thông tin tổng quan về tiềm năng, lợi thế, kết quả thu hút đầu tư, cơ hội đầu tư, chính sách thu hút đầu tư vào địa phương; lắng nghe ý kiến trao đổi của nhà đầu tư; giải đáp thắc mắc, mối quan tâm của DN trong quá trình tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Hà Nam; cam kết thực hiện những nội dung mà nhà đầu tư kỳ vọng.
Tỉnh cũng duy trì đối thoại thường xuyên với DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ nhằm tiếp tục củng cố lòng tin, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Trong năm 2022, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt các DN trên địa bàn tỉnh để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các DN, từ đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về cấp chứng nhận đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai,... đồng thời tích cực hỗ trợ DN trong việc tuyển dụng lao động, thực hiện các thủ tục về đăng ký mẫu dấu, mã số thuế, trực tiếp làm đầu mối thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tài sản trên đất,…
Bên cạnh việc tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao Hà Nam, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư theo hướng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối, thông suốt; hệ thống hạ tầng cấp điện, viễn thông và cấp thoát nước đến chân hàng rào nhà máy, đáp ứng đầy đủ, ổn định nhu cầu sản xuất của DN.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng phát huy, quảng bá các lợi thế; quan tâm chuẩn bị quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư và hạ tầng xã hội, như: Nhà ở công nhân, nhà trẻ, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu chuyên gia nước ngoài và công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đồng thời, tỉnh quan tâm quy hoạch và thu hút DN xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân triển khai đồng bộ với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và khu vui chơi giải trí phục vụ chuyên gia và người lao động; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, nhất là các dịch vụ về điện, nước sạch, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng tỉnh Hà Nam tại Quảng Ninh
Năm 2021, Chỉ số Gia nhập thị trường của Hà Nam đạt 6,73 điểm, giảm 1,46 điểm so với năm 2020, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Ông có đánh giá thế nào về kết quả này, đâu là nút thắt cần tháo gỡ? Sở đã và đang tham mưu, thực hiện giải pháp nào để cải thiện Chỉ số Gia nhập thị trường trong thời gian tới?
Sau khi kết quả PCI năm 2021 được công bố, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 2369/UBND-TH ngày 05/9/2022 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hà Nam năm 2022.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Sở đã phổ biến, quán triệt đến các phòng chuyên môn thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao điểm số các chỉ tiêu trong chỉ số thành phần “Chi phí gia nhập thị trường”, nổi bật như: Tiếp tục công khai niêm yết đầy đủ các biểu mẫu đăng ký DN; nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ trong đăng ký DN, đảm bảo thời gian đăng ký và thời gian thay đổi đăng ký DN không quá 1,5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định. Bên cạnh đó, Sở tích cực công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện đăng ký DN qua mạng; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và thái độ phục vụ cho đội ngũ cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI