Hợp tác thương mại: Động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ

10:42:34 | 26/6/2023

Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là những trụ cột, động lực mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và còn tiềm năng, dư địa phát triển rất lớn. Sau 10 năm thiết lập Đối tác toàn diện, quan hệ thương mại hai nước đã tăng hơn ba lần.

Sau 28 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực. Nếu tính từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng hơn 274 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức 123,7 tỷ USD vào năm 2022.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm phù hợp với thị trường và thị hiếu tiêu dùng của Hoa Kỳ, với các mặt hàng chủ lực gồm máy và thiết bị điện tử, thu âm, thu hình, sắt thép, dệt may, da giày, thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ…

Năm 2022, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, đạt 201 tỷ USD. Đứng thứ hai là hàng dệt may, đạt 17,3 tỷ USD; kế đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD.

Các nhóm ngành đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD gồm: Dệt may, điện thoại, máy vi tính, máy móc, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép. Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều nhóm hàng chủ lực thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, bao gồm thủy sản, hạt điều, cà phê

Tiềm năng phát triển thương mại tại thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn, vì trong thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng thương mại liên tục đạt từ 17-19% hàng năm. Bên cạnh đó, hai nền kinh tế có sự tương tác, bổ sung và dư địa tăng trưởng lớn. Hàng hóa của Việt Nam đã ngày càng đáp ứng được yêu cầu khó tính, theo đó mới có thể tiếp cận được thị trường Hoa Kỳ.

Về nhập khẩu, nhiều công ty lớn của Việt Nam như Bamboo, Vietnam Airlines, Vietjet đã có những hợp đồng hàng tỷ USD nhập khẩu máy bay Boeing, nhập khẩu các trang thiết bị, động cơ khác sử dụng trong ngành hàng không… góp phần hài hòa quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho cả hai bên. Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ như bông, ngô hạt, sản phẩm từ sữa…

Đặc biệt, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với việc ký kết Hiệp định thương mại song phương (năm 2000); Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (năm 2007); chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2013); ký kết Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững năm 2019.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ tích cực triển khai Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Việt Nam, Hoa Kỳ đang cùng một số nước tham gia đàm phán về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hiện gồm 14 nước trong đó có một số nước ASEAN. Sáng kiến này, tuy chưa phải một dạng hiệp định thương mại tự do, nhưng nếu thành công sẽ có ý nghĩa lớn, tạo khuôn khổ kết nối kinh tế các nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ theo đó cũng sẽ được đẩy mạnh.

Năm 2023 kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên đã và đang tổ chức các hoạt động hợp tác thương mại ý nghĩa, ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt, giá trị kim ngạch thương mại hai chiều năm nay nhiều khả năng sẽ vượt mức 100 tỷ USD lần thứ ba.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)