09:55:16 | 10/7/2023
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế, ngành Du lịch Bình Phước đang thực hiện nhiều hướng đi, giải pháp, trong đó có việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Trung - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) tỉnh Bình Phước.
Một vài chia sẻ của ông về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch địa phương?
Bình Phước là tỉnh thuộc Vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm, năng động và phát triển phía Nam, có vị trí địa lý chiến lược với các tuyến giao thông kết nối thuận lợi, là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia - Lào - Thái Lan.
Với vị trí địa lý, đặc điểm về tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tương đối đa dạng, phong phú. Ngoài ra, Bình Phước hiện là thủ phủ cây điều và cao su, rất phù hợp cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm. Cùng với đó là hệ thống rừng nguyên sinh và danh lam thắng cảnh nổi bật như: Trảng cỏ Bù Lạch, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, núi Bà Rá - thác Mơ, hồ Suối Giai,…
Đặc biệt, Bình Phước có hệ thống di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 45 di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, có hệ thống di chỉ khảo cổ thành đất hình tròn là nơi sinh sống của người Việt cổ. Tỉnh cũng là nơi hội tụ sinh sống của 41 dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa.
Nhằm tận dụng, khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, Sở VH, TT&DL có những giải pháp như thế nào, thưa ông?
Sở đã tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên; tạo điều kiện kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác thế mạnh về tài nguyên du lịch như du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử, tôn giáo, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá thiên nhiên,... Hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng và phát triển các khu, điểm, du lịch mới cùng với việc kiện toàn và hoàn thiện các điểm du lịch đã được công nhận. Nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm; ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng, tạo được sức bật mới, tạo đà cho du lịch phát triển.
Sở cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Liên kết với các thị trường nội địa, quốc tế giàu tiềm năng; đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số, số hóa thông tin, tài liệu về điểm đến. Chỉ đạo cơ sở kinh doanh lưu trú, lữ hành, các khu, điểm du lịch chỉnh trang cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng phục vụ.
Tăng cường tổ chức các tour, tuyến hấp dẫn, kết hợp trải nghiệm sinh thái rừng với các điểm đến: Khu di tích Phú Riềng Đỏ; khu Quần thể văn hóa cứu sinh núi Bà Rá; vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Xây dựng tour du lịch trải nghiệm văn hóa độc đáo của người S’tiêng và M’nông với các điểm đến: Khu du lịch Vĩnh Phúc; Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo; Thác đứng; Trảng cỏ Bù Lạch. Xây dựng tour du lịch về nguồn, thăm chiến trường xưa với các điểm đến: Di tích lịch sử chiến thắng chốt chặn Tàu Ô; chùa Phật quốc Vạn Thành; mộ ba ngàn người; khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Nhà giao tế Lộc Ninh; điểm X16. Xây dựng tour du lịch quốc tế “Một ngày - 04 quốc gia”,... Trong đó, chọn Khu Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam làm trung tâm, là “điểm dừng chân trong chuyến hành trình xuyên Á” kết nối các điểm đến trên tuyến du lịch quốc tế: TP.Hồ Chí Minh - Bình Phước (Việt Nam) - Stungtreng (Campuchia) - Champasak (Lào) - Ubon (Thái Lan).
Di tích núi Bà Rá là điểm du lịch nổi tiếng tại Bình Phước
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, Bình Phước sẽ có những cơ chế, chính sách ưu đãi gì, thưa ông?
Tỉnh đã ra Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 ban hành quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ngoài những chính sách ưu đãi chung của tỉnh về đầu tư, lĩnh vực du lịch có 04 dự án phát triển tại Sóc Bom Bo, Trảng cỏ Bù Lạch, khu núi Bà Rá, khu căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết được đưa vào chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các dự án đặc biệt kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Hiện nay, Bình Phước đang tiếp tục bố trí quỹ đất để đầu tư và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, xây dựng sân golf, thu hút đầu tư xây dựng các khách sạn 4 đến 5 sao nhằm mở rộng, phát triển du lịch. Đồng thời chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; trong đó, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án,...
Sở luôn sẵn sàng đón tiếp, hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất, đồng hành với các nhà đầu tư trong quá trình triển khai, vận hành dự án.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mạnh Dũng (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI