08:32:37 | 10/7/2023
“Nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống được các ngân hàng nhận diện là thách thức lớn nhất phải đối diện trong thời gian tới (tăng 9,1% so với thời điểm một năm trước)”. Đây là nhận định trong báo cáo mới công bố về Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023 của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).
Hầu hết các ngân hàng đều gia tăng nợ xấu
Theo khảo sát của Vietnam Report, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ GDP/tín dụng ở mức rất cao, thu nhập từ lãi của hoạt động cho vay là một thu nhập trọng yếu và kèm theo đó, rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng không nhỏ.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của 28 ngân hàng hàng đầu Việt Nam đã công bố ghi nhận 7 ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%. Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng này cũng tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 172.000 tỉ đồng. Quý I cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 1,93%, cao hơn so với giai đoạn trước dịch.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý 1/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ dưới chuẩn gia tăng. Nợ cần chú ý (nhóm 2) đã tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ dư nợ vay nhóm 2-5/tổng dư nợ tăng mạnh từ 3,4% trong quý 4/2022 lên 4,4% trong quý 1/2023.
Cụ thể, theo công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) tiếp tục tăng mạnh. Nợ nhóm 1 của NCB giảm 10,3% so với hồi đầu năm xuống mức 32.778 tỷ đồng; Nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 51% lên mức 3.953,6 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng tới 147,4% lên mức 2.542,5 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 18,7% lên mức 5.043,5 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 3,1% đạt mức gần 3.383 tỷ đồng. Do đó, tổng nợ xấu của Ngân hàng NCB đạt gần 10.969 tỷ đồng, tăng 28,2% so với hồi đầu năm và tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này đạt 23%.
OCB ghi nhận nợ xấu trong quý I/2023 tăng 51%, lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 tăng 54%, nợ nhóm 4 tăng 55%, nợ nhóm 5 tăng 49%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,2% lên 3,3%.
Số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ACB trong quý I/2023 tăng 31,5%, lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% cuối tháng 3/2023. Tại VIB, số dư nợ xấu tính đến ngày 31/3/2023 của ngân hàng này là 8.347 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2023. Nợ xấu của ngân hàng này theo đó cũng bị kéo từ mức 2,45% lên 3,64%.
Nợ xấu trong quý I/2023 của TPBank tăng 84%, từ 1.357 tỷ đồng lên gần 2.500 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 385 tỷ đồng lên gần 1.200 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 64%; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 6%. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của TPBank ở mức 1,45%, trong khi cuối năm 2022 là 0,84%.
Tương tự, một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Nợ xấu tại Eximbank trong quý đầu năm 2023 tăng gần 30%, lên 3.047 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,8% lên 2,3% và dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 7%; nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng 68% so với cuối năm 2022, đưa tỷ lệ nợ xấu từ hơn 1% lên gần 1,76%.
Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước, BIDV ghi nhận nợ xấu nội bảng tăng hơn 40% trong quý đầu năm 2023, lên 24.730 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 127%, nợ nhóm 4 tăng 59%, nợ nhóm 5 tăng 13%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,19% lên 1,59%.
Nợ xấu tại Vietcombank tính đến hết quý I/2023 tăng hơn 27% so với cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,68% lên 0,85%.
Đánh giá của Vietnam Report, rủi ro đặc biệt hiện hữu và tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản - lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tín dụng. Do đó, mục tiêu các ngân hàng hướng tới trong năm nay không đơn thuần là tăng trưởng tín dụng, mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản.
Tìm giải pháp xử lý nợ xấu
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã rất chủ động, quyết liệt, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (gồm cả chính sách tài khóa về giãn, hoãn, giảm thuế, phí…), nhưng dự báo nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng có thể còn tăng trong năm 2023. Đặc biệt, trong bối cảnh thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu chỉ được kéo dài đến hết năm 2023, việc luật hóa các quy định xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm liên quan trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý bền vững cho xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn hoạt động cho các tổ chức tín dụng.
Tại Hội thảo vấn đề xử lý nợ xấu trong dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) thừa nhận, thực trạng nợ xấu của các TCTD hiện nay là đáng lo ngại. Các ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, dù mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN. Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của NHTM gặp nhiều khó khăn… Đặc biệt, việc xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.
Theo ông Hùng, việc thu giữ tài sản đảm bảo là trách nhiệm của người vay và người cho vay. Hiện nay, người cho vay đang yếu thế vì họ không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm và giải quyết ra tòa. Có trường hợp người vay cố tình không trả nợ thì xử lý ra sao hiện cũng không có quy định và trong thực tiễn, khách hàng, người vay có tiền, có tài sản bảo đảm cũng không trả nợ.
Bởi vậy, theo ông Hùng, cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng cố ý chây ỳ, lẩn trốn, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ. Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự.
Ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng OCB thì cho rằng, công tác xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo là yêu cầu thường xuyên, liên tục của các TCTD nói riêng và ngành ngân hàng nói chung, song song với sự phát triển quy mô tín dụng và các sản phẩm cho vay. Các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước gần đây cũng đặt ra các thách thức mới trong xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng; do đó cần sự chủ động động và tích cực hơn nữa từ chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất hơn cho các tổ chức tín dụng và đáp ứng kỳ vọng của xã hội, đất nước.
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Nam Á, cần mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, không chỉ dừng lại ở các khoản nợ xấu mà áp dụng cho cả các khoản nợ nhóm 2 nhưng thuộc trường hợp phải thu hồi nợ trước hạn nhằm giảm rủi ro cho TCTD. Đồng thời, cần cụ thể hóa trong dự thảo các biện pháp xử lý nợ và trình tự thủ tục thực hiện, cần hướng dẫn thêm việc thực hiện biện pháp nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp… để TCTD được chủ động lựa chọn cách thức thực hiện và phương thức xử lý.
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI