Dồn sức cho nhà ở xã hội

09:22:43 | 21/7/2023

Hưng Yên đang quyết liệt triển khai Đề án phát triển nhà ở xã hội (NOXH) dành cho công nhân, người lao động trong và ngoài các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (theo Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 8/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành cao nhất các mục tiêu Đề án đề ra; qua đó góp phần thực hiện thành công Đề án một triệu căn hộ NOXH vào năm 2030 của Chính phủ.

Sau gần 2 năm triển khai Đề án NOXH, Hưng Yên đã đạt kết quả nổi bật nào, thưa ông?

Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 09/9/2022 nhằm cụ thể hóa các nội dung; phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương; từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức thu hút các dự án phát triển NOXH. UBND tỉnh cũng ban hành, triển khai một số chương trình: Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2030 và các kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm;…

Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 dự án NOXH độc lập và nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất xây dựng NOXH đã tiếp nhận nhà đầu tư. Cụ thể gồm:

- 04 dự án NOXH độc lập, trong đó 02 dự án đã hoàn thành gồm 500 căn hộ với 28.844m2 sàn. Dự án khu nhà ở thu nhập thấp cũng hoàn thành một phần với 507 căn hộ với 31.888m2 sàn. Còn dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp KCN Yên Mỹ II đang giải phóng mặt bằng với diện tích 30,99ha và 9.000 căn NOXH.

- 02 khu nhà ở công nhân thuộc dự án sản xuất do doanh nghiệp xây dựng cho công nhân thuê với tổng diện tích 0,598ha và 176 căn hộ (6.905m2 sàn).

- 01 dự án bố trí quỹ đất xây dựng NOXH tại phường Bần Yên Nhân, TX.Mỹ Hào đã đưa vào sử dụng 03 tòa với 649 căn và đang thi công 03 tòa gồm 495 căn (36.531m2 sàn).

- 09 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có bố trí quỹ đất xây NOXH đã tiếp nhận nhà đầu tư. Tổng quy mô đất xây dựng NOXH các dự án là 62,6ha với 61.047 căn hộ và 2.991.279 m2 sàn.

Có thể thấy qua gần 2 năm triển khai, Đề án đã được thực hiện đúng lộ trình và tỉnh đang tiếp tục nỗ lực nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra.


Đại biểu tại điểm cầu Hưng Yên tham dự Hội nghị trực tuyến về nhà ở xã hội

Việc triển khai Đề án NOXH và các chương trình phát triển nhà ở sẽ tháo gỡ những khó khăn về chỗ ở cho công nhân, người lao động trong KCN ra sao?

Hưng Yên đã quy hoạch phát triển 17 KCN với diện tích 4.395,43ha, trong đó có 11 KCN được chấp thuận chủ trương/chứng nhận đăng ký đầu tư với diện tích 2.873ha. Hiện có 8 KCN đi vào hoạt động, thu hút 521 dự án và có 446 dự án đang sản xuất - kinh doanh, tạo 78.000 việc làm.

Theo khảo sát, số lao động tại các KCN bao gồm 60% người địa phương; còn 40% ngoại tỉnh, tức có trên 30 nghìn người có nhu cầu nhà ở; trong khi đó một bộ phận lao động địa phương cũng có nhu cầu. Dự kiến đến năm 2025, 2030 khi các KCN được quy hoạch đi vào hoạt động sẽ gia tăng số lao động và nhu cầu nhà ở. Do vậỵ, việc quy hoạch phát triển nhà ở cho người lao động được tỉnh đặc biệt quan tâm, đã bố trí quỹ đất 09 dự án nhà ở công nhân, trong đó có 08 dự án nhà ở gắn với KCN do chủ đầu tư hạ tầng làm chủ đầu tư với tổng diện tích 180ha.

Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới 17.800 căn NOXH (có 13.500 căn nhà ở công nhân) với 1.108.750m2 sàn; đến 2030 phát triển mới 39.900 căn NOXH (30.200 căn nhà ở công nhân) với 2.485.000m2 sàn. Nếu các mục tiêu trên được thực hiện thành công, tỉnh sẽ tháo gỡ được phần lớn nhu cầu nhà ở của người lao động trong các KCN.


Dự án P.H Center Hưng Yên là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên dành cho người thu nhập thấp 

Đóng góp của ngành Xây dựng trong việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, ngành sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ nào giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm tiếp cận tiềm năng, lợi thế của tỉnh?

Để triển khai Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện công tác, trong đó Sở Xây dựng là một trong những thành viên chính.

Các nội dung liên quan đến quy hoạch tỉnh hiện đều đã được đề cập trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh trước đây. Như vậy, việc triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đóng vai trò quan trọng và hỗ trợ đáng kể việc lập quy hoạch tỉnh.

Để việc lập quy hoạch tỉnh đồng bộ và khả thi, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các loại quy hoạch đã ban hành, trong đó tập trung vào các đồ án lớn như: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (phê duyệt năm 2012), Quy hoạch xây dựng vùng các huyện (phê duyệt năm 2020) và quy hoạch chung các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn lập quy hoạch đánh giá hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn tỉnh; xây dựng phương án liên kết hệ thống đô thị cấp vùng, liên kết đô thị - nông thôn; phương án quy hoạch phát triển các KCN, cụm công nghiệp… Tới nay, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thiện và trình Hội đồng thẩm định của Trung ương xem xét.

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, ngành Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng lộ trình thích hợp mở rộng ranh giới các đô thị, nâng hạng đô thị, sau khi đã tiến hành xây dựng, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị tại các khu vực nông thôn giáp ranh. Bên cạnh đó là đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp; thực hiện công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất; hoàn thiện hệ thống công cụ tài chính kinh tế đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản;…

Sở cũng phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến quy hoạch; thu hút, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch gồm: Công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp và các khu chức năng; quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật… Đồng thời, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh phù hợp nhu cầu thị trường nhằm phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng ngành và địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)