14:20:24 | 7/8/2023
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc với các xu thế phát triển bền vững, cách mạnh công nghiệp 4.0, Việt Nam và Singapore đang đứng trước nhiều cơ hội mới thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh.
Đặc biệt, quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh được thiết lập trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Singapore đầu năm 2023. Cụ thể, Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương kiêm Bộ trưởng Bộ Lao động Singapore Tan See Leng là tiền đề quan trọng để hai bên đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Hợp tác kinh tế xanh
Hiện nay, Singapore đang tích cực theo đuổi Kế hoạch Xanh 2030 - một phong trào toàn quốc nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Một số điểm chính trong kế hoạch là yêu cầu tất cả các xe đăng ký mới phải là mẫu xe năng lượng sạch; tăng gấp đôi số lượng các điểm sạc xe điện cho tới 2030. Mục tiêu là đến năm 2026, giảm 20% lượng chất thải được đưa đi chôn lấp, đến 2030, con số này là 30% và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 càng sớm càng tốt trong nửa sau của thế kỷ.
Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoài xu thế này. Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh, cũng như kế hoạch thực thi chiến lược và triển khai 4 nhóm mục tiêu, giải pháp bao gồm: giảm cường độ phát thải, xanh hoá các ngành kinh tế, xanh hoá lối sống tiêu dùng, và các hoạt động đều dựa trên nguyên tắc bình đẳng bao trùm. Hiện Việt Nam dựa trên 4 mục tiêu này để triển khai rất quyết liệt các chương trình và dự án cụ thể.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Điều này cho thấy, Việt Nam rất quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.
Với tầm nhìn xa và mục tiêu chung về sự phát triển bền vững, Việt Nam và Singapore đã thúc đẩy các chương trình như chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0. Việc thúc đẩy kết nối lưới điện giữa Việt Nam-Singapore cũng được kỳ vọng sẽ là hình mẫu cho việc hợp tác về thương mại, kết nối điện trong ASEAN, phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ của phía Singapore về kinh tế xanh bởi đây là lĩnh vực bạn có thế mạnh và chúng ta đang có nhu cầu, tạo hành lang thúc đẩy hợp tác hai nước, tạo sự cộng hưởng trong thu hút đầu tư quốc tế.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế số
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh đến Việt Nam, tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới. Kinh tế số ở Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như mạng lưới hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và internet phát triển nhanh, bao phủ rộng khắp và hiện đại, mật độ người dùng cao.
Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2020" của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là một trong những quốc gia duy trì mức tăng trưởng kinh tế số ở mức hai con số. Dự báo đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ hai về kinh tế số ở Đông Nam Á.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế số nhanh trong khu vực. Xu hướng số hóa, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh và rộng trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, đến giải trí... Việt Nam hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực số hàng năm, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ được năng lực, thực hiện nhiều dự án công nghệ cao.
Sự phát triển sôi động của kinh tế số tại Việt Nam hứa hẹn mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp quốc tế nói chung và doanh nghiệp Singapore nói riêng. Theo Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh, Việt Nam và Singapore đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong lĩnh vực chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên, như quản lý dân cư, tài chính ngân hàng, đất đai, thương mại điện tử…
Đồng thời, hai bên sẽ hợp tác phát triển, kết nối chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó có chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia như dữ liệu về hàng hóa, phương tiện vận chuyển, thương mại hướng tới thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hai nước tiến hành hoàn toàn trên môi trường số...
Bên cạnh đó, Việt Nam và Singapore cần mở rộng không gian hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định kết nối hai nền kinh tế và quan hệ đối tác kinh tế số - kinh tế xanh, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh, có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau như: đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, khoa học công nghệ.
Hương Giang (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI