Xung lực mới thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Saudi Arabia

08:45:27 | 18/10/2023

Theo Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng, chuyến công tác sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Saudi Arabia chắc chắn sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng - Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng trao đổi với báo chí về chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Saudi Arabia từ ngày 18-20/10.

Nhiều bản ghi nhớ sẽ được ký kết

 Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Saudi Arabia có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như chính trị, thương mại, du lịch…

Hai nước có nhiều điểm chung như đều có vai trò ngày càng tăng tại khu vực; chính sách đối ngoại rộng mở và tăng cường quan hệ hữu hảo với các nước; chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể phục vụ…

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Saudi Arabia lần này là hoạt động cấp cao nhất của Việt Nam tại Saudi Arabia kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (4/2010). Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024.

Các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào thúc đẩy quan hệ đầu tư, kinh tế, lao động… Trong khuôn khổ chuyến công tác, dự kiến một số bản ghi nhớ sẽ được ký kết, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên những lĩnh vực cụ thể…

Ngoài ra, các bộ, ngành, doanh nghiệp hai bên sẽ có nhiều dịp làm việc, kết nối với nhau một cách hiệu quả, thực chất, nhất là thông qua Diễn đàn doanh nghiệp song phương và các cuộc tiếp xúc.

Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra nhiều khía cạnh hợp tác mới trong thời gian tới.

Đại sứ Đặng Xuân Dũng nhấn mạnh, Saudi Arabia là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trên 608,2 triệu USD các sản phẩm sang Saudi Arabia, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu trên 956,5 triệu USD, giảm 11,4%.

Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Saudi Arabia tháng 9 vừa qua là một cột mốc rất đáng chú ý trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương khi lần đầu tiên Phòng Thương mại Riyadh tổ chức đoàn doanh nghiệp Saudi lớn nhất từ trước tới nay tới Việt Nam để xúc tiến thương mại và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Sau Diễn đàn, một số doanh nghiệp hai bên đã kết nối trực tiếp với nhau để bàn thảo, hợp tác xuất khẩu các sản phẩm cụ thể như hàng may mặc, đồ thủ công trang trí, nội thất; một số công ty lữ hành và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cũng đã ký kết hợp tác.

Đại sứ quán đã chỉ đạo Thương vụ theo dõi và cập nhật thực tế các hoạt động giao thương, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp hai bên cung cấp thông tin kịp thời nhanh chóng.

Hiện đã có những doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp sang địa bàn để quảng bá, xúc tiến, trình diễn những sản phẩm công nghệ cao, được thiết kế, chế tạo và sản xuất hoàn toàn bởi kỹ sư, công nghệ của Việt Nam, góp phần tạo những dấu ấn mới về năng lực và tiềm năng của nền kinh tế của Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

"Trong mọi hoàn cảnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia sẽ nỗ lực hết mình để trở thành "cây cầu" kết nối, cũng như hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp hai nước trong triển khai thỏa thuận, hợp đồng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất hơn nữa hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới", Đại sứ nhấn mạnh.

Cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN-GCC

Chia sẻ về ý nghĩa của Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Đại sứ cho biết, hợp tác giữa GCC-ASEAN là một tiến trình, bắt đầu từ năm 1990 khi có những tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa ASEAN và GCC. Kể từ đó, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC thường họp bên lề các kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) tại New York, Mỹ.

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-GCC đầu tiên được tổ chức vào tháng 6/2009 tại Manama, Bahrain, và đã thông qua Tầm nhìn chung ASEAN-GCC, trong đó hai bên nhất trí tiến hành nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị về quan hệ ASEAN-GCC trong các vấn đề: Khu vực thương mại tự do, hợp tác và phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và thông tin. Tại Hội nghị, Ban Thư ký ASEAN và Ban thư ký GCC ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU).

Hội nghị cấp cao ASEAN–GCC diễn ra trong bối cảnh vai trò của ASEAN và GCC ngày càng được khẳng định tại khu vực và trên thế giới. Quan hệ giữa ASEAN và GCC cũng ngày càng được tăng cường, cả 6 thành viên của GCC đều đã ký văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á (TAC).

Hội nghị cấp cao lần này là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa Lãnh đạo cấp cao hai khối, là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN-GCC. Những văn kiện dự kiến đạt được sẽ tạo thêm cơ sở và đà thúc đẩy nâng tầm quan hệ giữa hai khối, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác còn nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa ASEAN-GCC, Đại sứ cho rằng, với quan hệ chính trị-ngoại giao khá thuận lợi giữa hai khối và trên cơ sở quan hệ kinh tế thương mại đầu tư đã có, ASEAN và GCC có nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ kinh tế và cả hợp tác lao động trong thời gian tới.

Các quốc gia trong GCC (UAE, Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Qatar và Kuwait) có tốc độ phát triển kinh tế cao, xã hội thay đổi, phát triển tích cực, dân số trẻ (trên 50% dân số dưới 25 tuổi - theo thống kê năm 2020), tỉ lệ người lớn tuổi thấp.

Tổng dân số của khu vực GCC đã tăng gần gấp đôi trong vòng 20 năm, từ 26,2 triệu năm 1995 lên 56,4 triệu vào năm 2021, trong đó phần lớn là do số người lao động nhập cư vào khu vực tăng mạnh.

Trong khi đó, theo thống kê năm 2021, tổng dân số của các quốc gia ASEAN ước tính khoảng 666,19 triệu người, gấp gần 12 lần so với dân số các nước GCC. ASEAN có nguồn nhân lực lao động dồi dào, đóng góp đáng kể cho lực lượng lao động tại các nước GCC, đồng thời cũng là thị trường hết sức rộng lớn cho các mặt hàng xuất khẩu từ các nước GCC.

GCC với diện tích 3,35 triệu km2, nhỏ hơn diện tích các nước ASEAN (4,22 triệu km2), chủ yếu là sa mạc, khô cằn, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu nên hàng hóa nhu yếu phẩm chủ yếu phải nhập khẩu.

Hợp tác kinh tế giữa GCC với ASEAN những năm gần đây đã phát triển rộng hơn ở nhiều lĩnh vực như đầu tư, kinh doanh thương mại, nhân lực lao động. Các quốc gia ASEAN xuất khẩu sang GCC các sản phẩm nông sản, thực phẩm, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng đồng thời nhập khẩu khí hóa lỏng, dầu, nguyên liệu nhựa, hóa chất.

Hiện nay tại Việt Nam, Saudi Arabia có 7 dự án đầu tư, Kuwait có 2 dự án đầu tư với khoảng hơn 3 tỷ USD. Các nhà đầu tư UAE cũng rất quan tâm đến Việt Nam và hiện có 3-4 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 74 triệu USD./.

Nguồn: baochinhphu.vn