07:14:59 | 8/12/2023
Việt Nam đang đứng trước bước đột phá to lớn với sự ra đời của mạng lưới đường sắt tốc độ cao giúp thu hẹp rào cản kết nối kinh tế giữa hai miền Bắc - Nam.
Chính phủ Việt Nam đã đề xuất kế hoạch khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào năm 2030, tiến tới đưa vào khai thác từ năm 2045.
Sáng kiến có tầm nhìn xa này hứa hẹn sẽ định hình lại bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời nâng tầm vị thế quốc gia thành trung tâm logistics chiến lược trên bản đồ khu vực.
Tàu cao tốc từ lâu đã đóng vai trò là huyết mạch của ngành logistics và vận tải ở nhiều quốc gia phát triển. Khả năng vận chuyển hành khách và hàng hóa nhanh chóng trên những cung đường xa, cũng như giúp giảm bớt tắc nghẽn đường cao tốc, chỉ là một vài trong số những lợi ích vô giá mà đường sắt cao tốc mang lại.
Năng lực di chuyển người và hàng hóa nhanh chóng trên mạng lưới đường sắt cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Sự đổi mới này không chỉ đơn thuần mang tính chất tiện lợi, mà còn là một nhu cầu kinh tế cấp thiết.
Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, đường sắt cao tốc có thể đóng góp rất lớn. Phương tiện này cung cấp một phương thức vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và đáng tin cậy, đảm bảo giao sản phẩm kịp thời. Điều này giúp cải thiện hiệu quả sản xuất và chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng kết nối của Việt Nam với các nước láng giềng. Điều này giúp mối liên kết thương mại và vận tải với Campuchia, Lào và Trung Quốc trở nên hiệu quả hơn, từ đó định vị Việt Nam là một trung tâm logistics và marketing của khu vực.
Khả năng phát triển bất động sản gần ga đường sắt là một tác động kinh tế khác, giúp gia tăng giá trị tài sản và cơ hội đầu tư. Việc người dân ngày càng ưa chuộng di chuyển bằng tàu cao tốc cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí bảo trì đường cao tốc và tăng cường an toàn đường bộ. Thời gian di chuyển được rút ngắn còn khiến các điểm đến du lịch trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn.
Từ góc độ môi trường, mạng lưới đường sắt tốc độ cao là một bước tiến trong hành trình phát triển bền vững ở Việt Nam. Việc cung cấp một phương thức vận tải thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần giảm lượng khí thải carbon của cả nước. Giảm số lượng ô tô lưu thông trên đường bộ cũng như nhu cầu bay nội địa chặng ngắn sẽ khiến lượng khí thải nhà kính thấp hơn.
Mặc dù việc kết nối đường sắt cao tốc Bắc - Nam có lợi ích rõ ràng, các bên liên quan cũng cần phải chú ý đến khía cạnh bảo tồn đất đai và mở rộng mạng lưới kết nối.
Việt Nam đứng trước hai lựa chọn chính khi xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc. Cách tiếp cận đầu tiên là thiết lập các tuyến đường sắt trên cao nối liền nhiều tỉnh, thành phố. Mặc dù cách tiếp cận này ban đầu có vẻ thực tế hơn nhưng lại có nguy cơ gây ra tranh chấp khi thu hồi lượng đất đáng kể, dẫn đến chậm trễ và tăng chi phí.
Với lựa chọn còn lại, Việt Nam xây dựng mạng lưới các tuyến đường sắt và ô tô trên cao đặt trên các đường cao tốc sẵn có hiện tại hoặc đi qua biển. Nếu đi qua biển thì phải bố trí đủ điểm ra/vào tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Mặc dù cách tiếp cận này đòi hỏi đầu tư ban đầu cao hơn nhưng có thể giúp giảm thiểu quy trình thu hồi đất tốn kém và giảm khoảng cách di chuyển, qua đó mang lại lợi ích lâu dài đáng kể. Những tiến bộ công nghệ gần đây giúp hệ thống đường sắt trên cao trở nên khả thi, bao gồm các tuyến đường sắt trên các đường cao tốc hiện có, đường hầm dưới biển, cầu và đường ray nổi.
Việc xây dựng hệ thống đường sắt đặt trên đường cao tốc hoặc đi qua biển có thể đẩy nhanh quá trình thiết lập mạng lưới tàu cao tốc nối các khu vực phía Bắc và phía Nam, đồng thời chịu được các điều kiện thời tiết khác nhau và đảm bảo khả năng hoạt động quanh năm. Với quy hoạch tỉ mỉ và đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa có trách nhiệm với môi trường.
Quan trọng là việc triển khai mạng lưới đường sắt cao tốc đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp tư nhân và các đối tác quốc tế. Bất kể chọn thực hiện theo hướng nào đi nữa, Việt Nam đang sở hữu năng lực công nghệ và logistics cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn này. Lấy cảm hứng từ bài học thành công của các quốc gia khác và tận dụng lợi thế địa lý độc đáo của mình, Việt Nam có thể tăng tốc vào một kỷ nguyên mới về tăng trưởng kinh tế, kết nối và phát triển bền vững.
TS. Majo George, Đại học RMIT Việt Nam
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI