Xuất nhập khẩu chạm mốc 650 tỷ USD, xuất siêu hơn 25 tỷ USD

14:21:20 | 28/12/2023

Đến giữa tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 649,96 tỷ USD; xuất siêu hơn 25 tỷ USD.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12 (1-15/12) đạt 30,52 tỷ USD, giảm 1,4% (tương ứng giảm 433 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2023.


Xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước gần cán mốc 650 tỷ USD

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 12, đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/12 đạt 649,96 tỷ USD, giảm 7,5% (tương ứng tăng giảm 52,53 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Về xuất khẩu, kỳ 1 tháng 12 đạt 15,04 tỷ USD, giảm 8,1% (tương ứng giảm 1,33 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 11/2023.

Một số nhóm hàng giảm mạnh như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 463 triệu USD (tương ứng giảm 20,5%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 167 triệu USD (tương ứng giảm 6,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 158 triệu USD (tương ứng giảm 7,8%); dệt may giảm 112 triệu USD (tương ứng giảm 7,7%)...

Như vậy, từ đầu năm đến hết 15/12, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 337,62 tỷ USD, giảm 5,2% (tương ứng giảm 18,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Nửa đầu tháng 12, nhập khẩu của cả nước đạt 15,48 tỷ USD, tăng 6,1% (tương ứng tăng 893 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2023.

Các nhóm hàng nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 12 tăng so với kỳ 2 tháng 11 như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 135 triệu USD (tương ứng tăng 3,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 62 triệu USD (tương ứng tăng 3,3%)...

Lũy kế từ đầu năm đến hết 15/12, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 312,35 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 34,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Đến 15/12, cán cân thương mại của cả nước thặng dư hơn 25 tỷ USD.

Thông tin đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương diễn ra mới đây cho thấy, điểm sáng nhất trong bức tranh xuất nhập khẩu năm 2023 chính là cán cân thương mại cả năm tiếp tục xuất siêu với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội mang lại từ cam kết trong các Hiệp định FTA. Trị giá kim ngạch xuất khẩu có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao. 9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu có sử dụng C/O đạt 64 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm ngành hàng đã tận dụng tốt C/O nhằm đẩy mạnh xuất khẩu như gạo, dệt may...

Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin, năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.

Mặc dù vậy, xuất khẩu có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục. Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Những nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của ta trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Cục Xuất nhập khẩu dự kiến chỉ tiêu phấn đấu về xuất nhập khẩu năm 2024 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.

Nguồn: congthuong.vn