Đây là một trong những nhận định được ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ về những cơ hội, thách thức trong xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, ngay từ đầu năm 2023, việc xuất khẩu nói chung, trong đó có xuất khẩu nông sản được dự báo gặp khó khăn. Thực tế, khó khăn đã rơi vào quý 1, quý 2; xuất khẩu giảm chủ yếu ở thị trường Mỹ và EU với các nhóm ngành hàng chính là gỗ, lâm sản và thuỷ sản.
Xuất khẩu trái cây là một trong những điểm sáng của xuất khẩu nông sản năm 2023
Tuy nhiên, đây là thời điểm Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sau đại dịch COVID - 19 nên góp phần giảm bớt khó khăn trong xuất khẩu nông sản bởi Trung Quốc là thị trường lớn. Công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản được Chính phủ quan tâm và đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa với một số nhóm hàng. Không chỉ ở thị trường Trung Quốc, nhiều đoàn đại biểu khi đến quốc gia khác cũng đặt vấn đề tạo điều kiện để Việt Nam mở cửa thị trường cho nông sản.
Đặc biệt, khả năng chống chọi của doanh nghiệp thời gian qua tương đối tốt. Dù gặp khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách để khơi thông thị trường trong nước, giảm bớt khó khăn cho xuất khẩu. Trong đó, không ít doanh nghiệp đã nắm bắt xu hướng mới trong phát triển thương mại điện tử để xúc tiến tiêu thụ trong nước và trên thế giới, nâng cao năng lực kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua kênh phân phối số... Hiện nay, nhiều sản phẩm đang được tiêu thụ tốt tại các sàn lớn như Amazon hay trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội như TikTok shop, Taobao…
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết thêm: thời gian qua, khảo sát các hình thức thương mại điện tử tại Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy, rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử ở các tỉnh sâu trong đất liền đều có khu ngoại quan. Khi doanh nghiệp của chúng ta đưa sản phẩm nhập vào kho ngoại quan, tổ chức livestream trên nền tảng thương mại điện tử sẽ phù hợp với xu thế tiêu dùng của nước bạn và có thể được hưởng các chính sách của địa phương Trung Quốc trong việc giảm chi phí lưu kho, tạo thuận lợi cho công tác hải quan và các thủ tục kiểm định.
Các hội chợ, triển lãm là cơ hội để doanh nghiệp hợp tác giao thương, kết nối cung cầu tiêu thụ và xuất khẩu nông sản
Dự báo về tình hình xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, từ quý 4, thị trường xuất khẩu thế giới có tín hiệu tích cực hơn khi lượng lưu kho ở Mỹ và EU giảm, nhu cầu nông sản dự kiến sẽ tăng lên, tạo thêm cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, qua quá trình khảo sát, xúc tiến thương mại, có nhiều dư địa cho xuất khẩu nông sản khởi sắc hơn trong năm 2024.
Để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đó, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, Chính phủ và các cấp, các ngành cần hỗ trợ để có các gian hàng quốc gia, nhất là tại các hội chợ quy mô lớn vừa giúp nâng uy tín cho doanh nghiệp tham gia vừa tạo thuận lợi cho đối tác bạn hàng tìm hiểu sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam.
Với các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tham gia hội chợ để khảo sát thị trường, tìm kiếm bạn hàng, tìm hiểu các tiêu chí mới cho hàng hoá xuất khẩu của các nước, nhất là có thể học hỏi và xem xét đối thủ của chúng ta thay đổi ra sao. Từ đó, doanh nghiệp có thể xác định rõ nhu cầu thị trường, định hướng rõ thị trường trên cơ sở đó mới định vị được thương hiệu, mẫu mã, bao bì.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp