Xuất khẩu phục hồi sau khi chạm đáy

10:46:06 | 2/10/2023

Tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực, đặc biệt là sự khởi sắc trong hoạt động xuất khẩu của một số mặt hàng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 8/2023 đạt 62,08 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước, tương ứng tăng 5,01 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9%, tương ứng tăng 2,69 tỷ USD so với tháng trước; nhập khẩu đạt 29,32 tỷ USD, tăng 8,6% so với tháng trước, tương ứng tăng 2,32 tỷ USD.

Theo đó, có thể thấy sau gần 1 năm khó khăn, tình hình xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu phục hồi, đặc biệt đối với gạo, da giày, dệt may và thủy sản - những mặt hàng đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ngành xuất khẩu gạo phát triển giữa những biến động trên toàn cầu

Đã hơn một thập kỷ nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam mới có sự tăng cao như 7 tháng đầu năm 2023. Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam thuộc nhóm tương đối cao (trên 3 tỷ USD), đứng thứ 18 trong 35 thành viên và đứng thứ 18 trong 21 thành viên đạt trên 3 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2023 đã vượt lên đứng thứ 13/30 các mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5,9 triệu tấn gạo, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất. Trong những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh

Trên thị trường thế giới, trong bối cảnh chung về tình hình lương thực và xu hướng hạn chế xuất khẩu gạo của một số quốc gia thì thị trường gạo thế giới sẽ còn biến động theo hướng tăng trở lại. Cụ thể, ngày 20/7 vừa qua, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không basmati – loại gạo chiếm gần một nửa lượng xuất khẩu gạo của Ấn Độ và chiếm khoảng 17% tổng xuất khẩu gạo của thế giới; ngày 25/8, Ấn Độ tiếp tục thông báo áp dụng mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và kéo dài đến ngày 16/10, biện pháp áp dụng với tất các các gạo không phải là basmati (chiếm 25% tổng xuất khẩu gạo của nước này).

Biện pháp trên được Ấn Độ đưa ra nhằm kiểm soát tình trạng giá gạo tăng và đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường này nội địa. Tuy nhiên, động thái này có thể làm lượng gạo xuất khẩu của nước này giảm hơn và đưa giá gạo toàn cầu tiếp tục tăng; điều này gián tiếp tác động tích cực đến giá xuất khẩu gạo Việt Nam. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.

Xuất khẩu da giày và dệt may đã vượt qua “đáy”

Dệt may là một trong những nhóm hàng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu khó khăn nhất trong 8 tháng vừa qua. Theo thống kê hải quan, hàng dệt may là 37/45 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 giảm, chỉ đạt 22,5 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sang thị trường chủ lực Mỹ chỉ đạt 10 tỷ USD, giảm 22,4%; EU 2,66 tỷ USD giảm 11,9%; Hàn Quốc 2,08 tỷ USD giảm 3%. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều tín hiệu hồi phục và cơ hội phát triển cho hàng dệt may, như xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 8/2023 đạt 3,4 tỷ USD cao nhất trong 11 tháng gần đây, tăng 5,5%, và là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Đặc biệt, hoạt động sang thị trường Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục với kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đạt 1,5 tỷ USD tăng 2,3% so với tháng trước.

Tại chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2, số 27, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhận định 2023 là một năm đặc biệt với ngành dệt may theo hướng tiêu cực, doanh nghiệp phải “giật gấu vá vai” các đơn hàng trong suốt 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên đến thời điểm này, ngành dệt may đang chuyển dần chuyển sang trạng thái “giật gấu vá vai” sang “đủ ăn, đủ mặc".

Ngành thuỷ sản có dấu hiệu khôi phục tích cực

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tính chung lũy kế 8 tháng/2023, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đạt 5,79 tỷ USD, giảm 24% (tương ứng giảm 1,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ các năm 2020 và 2021 thì xuất khẩu hàng thủy sản trong 8 tháng/2023 vẫn tăng lần lượt 11,2% và 4,1%. Đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng gần đây. Điều này cho thấy thị trường sẽ có xu hướng khả quan hơn trong các tháng cuối năm 2023.

Đi vào từng ngành hàng chủ lực cho thấy, về cá tra, trong tháng 8, xuất khẩu đã ghi nhận mức sụt giảm ít nhất trong 6 tháng. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với mặt hàng tôm, tuy xuất khẩu chưa đột phá nhưng 3 tháng gần đây có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Hoa Kỳ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng. Sau khi tăng trưởng âm liên tục trong suốt 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ trong tháng 7 đã ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên với mức tăng 14%. Hay xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 7 ghi nhận tháng tăng trưởng dương thứ hai, giúp kéo sự sụt giảm xuất khẩu tôm sang thị trường này 7 tháng còn giảm khoảng 9%.

So với tôm và cá tra, xuất khẩu các mặt hàng hải sản giảm nhẹ hơn, với mức giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì doanh số ổn định qua từng tháng. Những thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU.

Điển hình là mặt hàng cá ngừ sang Hàn Quốc tăng ấn tượng. Tính lũy kế 7 tháng năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 7 triệu USD.

Theo VASEP, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ có xu hướng khả quan hơn trong các tháng cuối năm 2023, bởi thời gian tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tốt lên, nhất là khi lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch đang đến gần.

Gia Huy (Vietnam Business Forum)