Khai thác hiệu quả các vùng động lực phát triển công nghiệp

09:43:10 | 9/1/2024

Xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, thời gian qua, Tiền Giang đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung quy hoạch, phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Địa phương phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, là một trong những cực tăng trưởng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang đã có buổi trao đổi với phóng viên xung quanh nội dung này.

Ông có thể khái quát vài nét về bức tranh KCN Tiền Giang thời gian qua và đánh giá sự phát triển, kết quả thu hút đầu tư, tình hình sản xuất - kinh doanh và đóng góp của các KCN cho sự phát triển của tỉnh thời gian qua?

Với vị trí chiến lược “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” và nằm trong cả hai Vùng ĐBSCL và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư.

Tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 KCN với tổng diện tích trên 2.083ha; trong đó, có 3 KCN đã được cấp quyết định thành lập và đi vào hoạt động gồm Mỹ Tho, Tân Hương và Long Giang. KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp (285,3ha) đang chờ chuyển giao về tỉnh quản lý. KCN Bình Đông (gần 212ha) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư. 02 KCN còn lại là Tân Phước 1 và Tân Phước 2 đã được phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000.

Tính đến hết tháng 7/2023, các KCN Tiền Giang đã thu hút được 110 dự án; trong đó có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,4 tỷ USD và 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4.800 tỷ đồng. Diện tích đất thuê trên 524ha, chiếm tỷ lệ gần 70% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Các doanh nghiệp trong KCN đã góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển bền vững. Hằng năm, KCN đóng góp cho GRDP của Tiền Giang hơn 2 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 25.000 lao động.

Đây là những yếu tố giúp Tiền Giang tiếp tục phát huy lợi thế các KCN, thu hút nhiều dự án đầu tư mới cũng như khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô, thu hút lao động trong thời gian tới. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra nhiều động lực tăng trưởng mới và cũng đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển, thu hút đầu tư vào các KCN. Những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra các đột phá giải quyết các điểm nghẽn. Đặc biệt, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng TP.Hồ Chí Minh và ĐBSCL, với 3 vùng trọng điểm phát triển là vùng kinh tế ven biển, vùng công nghiệp lớn Tân Phước và vùng kinh tế dọc sông Tiền.


Tiền Giang đang tập trung phát triển các KCN thế hệ mới nhằm thu hút đầu tư theo định hướng “cao”, “ít” và “xanh”

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đặt mục tiêu phát triển ít nhất 11 KCN, với tổng diện tích hơn 3.358,6ha thuộc 4 vùng công nghiệp với tổng diện tích hơn 7.150ha. Trong đó: Bổ sung thêm 4 KCN: KCN Tân Phước 3, 4, 5 và 01 KCN ở huyện Tân Phú Đông. Phát triển hiệu quả vùng kinh tế động lực gắn với việc xây dựng vùng sinh thái công nghiệp lớn ở Tân Phước kết nối với kết cấu hạ tầng vùng (đường cao tốc, đường sắt, quốc lộ,…). Phát triển trung tâm logistic cấp vùng có sức cạnh tranh và kinh tế biển, thu hút các ngành công nghiệp hạ nguồn khí tự nhiên hóa lỏng ở vùng công nghiệp Soài Rạp.

Giai đoạn 2021-2025, thu hút các ngành chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các KCN; gắn với chuyển đổi số. Giai đoạn 2026 - 2030, thu hút, lấp đầy và mở rộng quy mô các KCN và xây dựng các cụm ngành chiến lược mới (y sinh hoá dược, xây dựng, kinh tế biển). Tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 14 - 15%/năm, đóng góp khoảng trên 33% GRDP vào năm 2030.

Tỉnh tiếp tục phát triển vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và khu vực Gò Công, gắn với hệ thống KCN của vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL. Đây là nền tảng quan trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả để tăng tốc phát triển KTXH địa phương.

Tiền Giang đang tập trung phát triển các KCN thế hệ mới; thu hút đầu tư theo định hướng “cao”, “ít” và “xanh”. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Để hiện thực hóa mục tiêu là tỉnh công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn tầm khu vực và quốc tế, Tiền Giang đã và đang cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tập trung quy hoạch, phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Tỉnh chủ trương thu hút đầu tư theo hướng“cao”, “ít” và “xanh”: Các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo; ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tập trung mời gọi đầu tư từ các quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trên cơ sở lợi thế của từng vùng, sẽ tập trung thu hút các ngành nghề phù hợp.


Dây chuyền chế biến rau quả cấp đông của Nhà máy chế biến nông sản của Công ty CP Công nghiệp thực phẩm Thabico - Tiền Giang

Sự chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN nói riêng và góp phần cải thiện Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) nói chung. Tuy nhiên, để “xanh hóa” các KCN, Tiền Giang rất cần sự hỗ trợ, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin; hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn,...

Một vài chia sẻ của ông về những nỗ lực của Ban trong việc kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là tăng cường đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp?

Thời gian tới, Ban tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, quan tâm hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng các KCN đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư; phấn đấu lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê. Chú trọng công tác xử lý môi trường theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước trong quá trình hoạt động và sản xuất của khu, cụm công nghiệp;

Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các đơn vị đào tạo trên địa bàn chuẩn bị nguồn nhân lực. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng công khai, minh bạch. Hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban đã được công bố trên hệ thống một cửa điện tử ở mức độ 4.

Bên cạnh đó, củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý hiệu quả hoạt động của các KCN; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất. Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai các dự án; kịp thời đôn đốc, hỗ trợ các dự án chậm tiến độ, vướng mắc về đầu tư;...

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum