Đưa du lịch Tiền Giang phát triển bền vững

08:14:39 | 9/1/2024

Với những kết nối đa dạng về giao thông: Từ đường bộ, đường sông và cả đường biển… không chỉ kết nối Tiền Giang với thị trường du lịch lớn nhất Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) mà còn mở ra những cơ hội không nhỏ cho Tiền Giang để phát triển du lịch quốc tế, đặc biệt là khả năng kết nối với những thị trường du lịch quốc tế cao cấp như thị trường du lịch đường biển. Vietnam Business Forum có cuộc trao đổi với ông Võ Phạm Tân – Phó GĐ Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Tiền Giang.

Với những tiềm năng và dư địa phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang, thời gian qua ngành du lịch Tiền Giang đã đạt được những bước tiến nào, thưa ông?

Tiền Giang được coi là tỉnh có tính đa dạng về sinh thái nhất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Sự đa dạng về sinh thái của Tiền Giang tạo thành 03 vùng sinh thái đặc trưng (vùng sinh thái nước ngọt dọc sông Tiền; sinh thái biển và ven biển; sinh thái đất phèn thuộc vùng Đồng Tháp Mười), kết hợp với hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người là chất liệu tốt để tạo thành những sản phẩm du lịch khác biệt nhau.

Tỉnh hiện có 187 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, gồm 20 di tích cấp quốc gia, 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 165 di tích cấp tỉnh; trong đó, các di tích gắn liền tên tuổi các Anh hùng dân tộc, sự kiện lịch sử - văn hóa đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Đền thờ Thủ Khoa Huân, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành... Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có 212 lễ hội dân gian, 09 lễ hội cách mạng; trong đó, có 05 lễ hội được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Kỳ Yên đình Vĩnh Bình, Lễ hội Kỳ Yên đình Long Trung và Lễ hội Tứ Kiệt.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch và ngược lại. Tận dụng lợi thế này, thời gian qua, việc xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh Tiền Giang được thực hiện gắn với việc phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử - văn hóa để hình thành các tour, tuyến du lịch đặc trưng cho địa phương. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển du lịch còn rất lớn.

Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến thông qua việc tổ chức nhiều đoàn khảo sát cũng như đón tiếp, mời gọi các đơn vị du lịch lớn của các tỉnh, thành khảo sát và kết nối tour, tuyến du lịch. Đồng thời, triển khai Quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư phát triển 4 trung tâm du lịch chính: khu du lịch cái Bè, khu du lịch cù lao Thới Sơn, khu du lịch biển Tân Thành và khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Qua đó đã làm thay đổi diện mạo du lịch tỉnh nhà, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng được nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển của du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hai năm 2020-2021 bị ngưng trệ vì đại dịch Covid-19, ngành du lịch Tiền Giang hiện đang đẩy nhanh phục hồi và nhận được những tín hiệu tích cực. Năm 2022, Tiền Giang đã thu hút gần 884 ngàn lượt khách du lịch, trong đó có 81 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt 455 tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2023, đón gần 1,1 triệu lượt khách, trong đó hơn 346 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 716 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh và góp phần tạo động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác.

Đâu là những nhiệm vụ, giải pháp trọng nhằm tạo đà đưa du lịch Tiền Giang tiếp tục “cất cánh”, thưa ông?

Để du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành điểm đến hấp dẫn an toàn, thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

 (1) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch, tháo gỡ khó khăn và tăng cường hỗ trợ, mời gọi nhà đầu tư cấp chiến lược đầu tư vào các dự án phát triển du lịch trọng điểm.

(2) Tập trung khai thác lợi thế, tận dụng tối đa tiềm năng của điểm đến Tiền Giang để thu hút khách du lịch. Phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch thông qua các sự kiện: Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định; các di tích lịch sử - văn hóa; các làng nghề truyền thống,...trên địa bàn tỉnh.

(3) Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá theo hướng thống nhất, chuyên nghiệp và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong giới thiệu quảng bá du lịch. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa.

(4) Tăng cường liên kết, hợp tác nội tỉnh và liên vùng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh liên kết, tham gia các sự kiện du lịch để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó tập trung thị trường thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và Đà Nẵng.

(5) Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

(6) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Xin ông có thể chia sẻ một vài vấn đề xung quanh và những trăn trở của ông để thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn phát triển hơn?

Nhìn một cách tổng thể, tốc độ tăng trưởng về lượng khách và thu nhập du lịch của Tiền Giang so với khu vực và cả nước vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương, hệ thống hạ tầng, kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đảm bảo; thiếu các khu vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch mang nét đặc thù; việc mời gọi đầu tư các dự án du lịch còn gặp nhiều khó khăn; việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh còn nhiều bất cập.

Trước tình hình khó khăn đó, ngày 31/7/2023 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với mục đích cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” để đưa ngành du lịch Tiền Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiến Công (Vietnam Business Forum)