09:31:13 | 26/1/2024
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Thuận đã và đang tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực như: nâng cao hiệu quả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đào tạo nghề gắn với thị trường lao động; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tuyển dụng, nâng cao tay nghề người lao động…
Học sinh Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Thuận tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 24 cơ sở GDNN (13 cơ sở công lập, 11 cơ sở ngoài công lập). Thời gian qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề của các cơ sở GDNN được đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề được nâng lên, ý thức tự giác trang bị nghề, tìm việc làm ổn định ở người lao động khu vực nông thôn nâng cao. Năm 2023, các cơ sở GDNN đã tích cực tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 13.713 người, đạt 137,13% so với kế hoạch năm, trong đó: đào tạo trình độ cao đẳng 583 người, trung cấp 933 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 12.197 người. Các ngành, nghề đào tạo đa dạng bám sát lĩnh vực lợi thế của tỉnh công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và nhu cầu thị trường lao động như: Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Tiếng Anh, Kế toán DN, Quản trị kinh doanh - Dịch vụ, Quản trị kinh doanh - Nhà hàng khách sạn và du lịch, Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị khu Resort, Công tác xã hội, Dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn, Pha chế thức uống,…
Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN chủ động và tăng cường triển khai hoạt động liên kết đào tạo nhằm đa dạng các ngành, nghề đào tạo và hình thức đào tạo góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nổi bật có 01 Trường Cao đẳng, 02 Trường Trung cấp và một số cơ sở GDNN ngoài công lập có tham gia hoạt động hợp tác GDNN với DN, các cơ sở đã có truyền thống nhiều năm hợp tác với các DN trong và ngoài tỉnh trong việc cung ứng lao động; gửi HSSV thực tập, kiến tập; đã nhận được sự hỗ trợ từ phía DN như học bổng, thiết bị đào tạo... Việc hợp tác với DN trong lĩnh vực đào tạo bước đầu đã có bước phát triển; ngành, nghề, hình thức và trình độ đào tạo của các Trường khá đa dạng nên đáp ứng được hầu hết các yêu cầu đào tạo, tuyển dụng của DN trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, nhằm nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ sở GDNN tăng cường tư vấn, định hướng ngành, nghề cho người học phù hợp với nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển trong tương lai; cơ hội việc làm sau khi ra trường; các chế độ đãi ngộ, hỗ trợ của cơ sở GDNN dành cho người học; tổ chức các phiên giao dịch việc làm thường xuyên,… thu hút nhiều đối tượng lao động tham gia. Trong năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Thuận đã tổ chức tư vấn việc làm cho 14.708 lao động; giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho 4.143 lao động; tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm, thu hút được 104 lượt DN và 2.571 lao động tham gia và có 1.087 lao động được DN tuyển chọn;…
Phát huy những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ các lĩnh vực lợi thế của tỉnh. Trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trên các ngành, lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển mạnh 03 trụ cột kinh tế của tỉnh. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, sức khỏe thể lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, tâm lý xã hội, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; làm tốt công tác dự báo, định hướng, tư vấn và giải quyết việc làm.
Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh. Khuyến khích DN tham gia vào hoạt động GDNN, nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao trên các lĩnh vực thế mạnh, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, 2025 – 2030. Trong đó, chú trọng hỗ trợ học nghề cho lao động thuộc các đối tượng người hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nông thôn,... và lao động thất nghiệp, thiếu việc làm để tìm kiếm việc làm, hòa nhập thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả đào tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thông qua việc mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở GDNN với DN; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các DN và thị trường lao động; đẩy mạnh hợp tác với DN; đề nghị các Hiệp hội DN hỗ trợ trong việc huy động các DN nhỏ và vừa tham gia vào đặt hàng, xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ thực tập, phản hồi về chất lượng đào tạo nhân lực; nâng tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm và có thu nhập ổn định.
Ngoài ra, tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác đào tạo nghề. Đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo và gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề nhất là đối tượng lao động nông thôn; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đào tạo nghề để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của việc học nghề…
Nguồn: Vietnam Business Forum