Ngoại giao song phương và đa phương tạo thế và lực Việt Nam ngày càng vững chắc

12:45:55 | 15/2/2024

Tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam và những thành quả đối ngoại quan trọng đã đạt được trong năm 2023 là nền tảng vững chắc cho đối ngoại và ngoại giao Việt Nam trong năm 2024 vượt qua khó khăn, thử thách, đóng góp vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nghe giới thiệu về trà nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, tháng 12/2023

Những dấn ấn nổi bật

Chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15-18/12/2023 với thông điệp và định hướng nhất quán, quan trọng “từ trái tim đến trái tim”, “từ hành động đến hành động”, “từ cảm xúc đến hiệu quả” của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp. Đây là hoạt động quan trọng và đầy ý nghĩa khép lại năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản thành công rực rỡ. Đồng thời, đây cũng là một trong những sự kiện đối ngoại cấp cao quan trọng cuối cùng của năm 2023, một năm cực kỳ sôi động và thành công của ngoại giao Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật. Quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng MeKong, APEC, AIPA, COP 28, BRI,…

Trong năm qua, Việt Nam đã tổ chức 22 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam đã khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên thế giới. Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO,… cũng như đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ,…

Công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo về đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Trước diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, ngành ngoại giao cùng với các ngành, các cấp tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ thông qua nhiều đề án quan trọng về đối ngoại, nhất là đề án phát triển quan hệ với một số đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, Tiểu vùng MeKong, chủ trương ứng xử với các sáng kiến của các nước,…

Ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, được triển khai rộng khắp trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và các lĩnh vực khác của ngoại giao; trong đó, hợp tác kinh tế luôn là nội dung trọng tâm trong nội hàm của các mối quan hệ, nhất là quan hệ với các đối tác quan trọng. Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với các nước trong năm qua đã tạo đột phá trong hợp tác kinh tế với các nước này, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp. Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế đã chủ động, tích cực và hiệu quả hơn.

Bên cạnh thực hiện hiệu quả các  hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, năm 2023, Việt Nam đã ký FTA với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương và hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp,... Kết quả là các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, tăng 6 - 7%, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút đầu tư FDI trên 28 tỷ USD, tăng 14,8%,...  Tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu với các nhà lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC, tháng 11/2023

Đẩy mạnh đổi mới tư duy về đối ngoại

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những năm tới, tính chất bất định của tình hình quốc tế sẽ còn tiếp diễn, có thể xuất hiện những nhân tố mới, phức tạp hơn. Ở trong nước, kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi và phát triển, song còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Bộ trưởng, trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy về đối ngoại. Với thế và lực mới của Việt Nam chưa bao giờ có được như ngày nay, cần mạnh dạn vượt ra khỏi tư duy lối mòn, tìm cách làm mới vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Muốn vậy, theo Bộ trưởng, cần đẩy mạnh tổ chức triển khai công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về đối ngoại; nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, nhận diện chính xác thời cơ, định vị đúng vị thế chiến lược của đất nước và tranh thủ tốt các xu thế quốc tế để chủ động có chủ trương, quyết sách, bước đi đối ngoại phù hợp.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò tiên phong, đồng thời phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhân dân, các ngành, các cấp nhằm củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc, huy động tốt các nguồn lực mới từ bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Tập trung tạo bước chuyển mới về xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại.

Bước vào năm 2024, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro. Bởi vậy, theo Bộ trưởng, cần tiếp tục quán triệt các chủ trương, định hướng của Đảng về ngoại giao kinh tế, bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và diễn biến tình hình quốc tế. Trong nước, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục tranh thủ tốt thế và lực mới của đất nước, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả, nhất là về mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn vốn mới cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, thu hút du lịch, xuất khẩu lao động có tay nghề,... Cùng với các ngành, các địa phương chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác kinh tế với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng. Nâng cao hiệu quả hỗ trợ các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên tinh thần “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.

“Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, chúng ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. Thành công của các chuyến thăm, điện đàm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhất là hơn 40 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; đồng thời nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam, đã vẽ lên một bức tranh rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao trên mặt trận đối ngoại trong hai năm vừa qua và tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao và đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay". Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV vừa qua), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 19/12/2023, tại Hà Nội

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)