Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long: Gắn công tác đào tạo với giải quyết việc làm

14:18:09 | 27/3/2024

Được thành lập từ năm 2002, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long (BTL) luôn gắn chặt công tác đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Với tổng số 23 ngành, nghề đào tạo, Trường đã góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung và hướng đến thị trường lao động quốc tế.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long tiền thân là Trường Trung học bán công Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long được thành lập ngày 8/3/2002. Tháng 11/2008, Trường chuyển đổi sang mô hình công lập tự chủ toàn phần, phù hợp với quy định mới của Luật Giáo dục. Hiện nay, Nhà trường đang tuyển sinh và đào tạo các trình độ trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên gồm các ngành nghề: Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính; Đồ họa đa phương tiện; Công nghệ thông tin; Điện công nghiệp và dân dụng; Bảo trì và sửa chữa ô tô,… Đặc biệt, Trường đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt các nghề trọng điểm cấp quốc gia như Nghiệp vụ nhà hàng; cấp ASEAN với các nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn; Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp.

Với quan điểm “Lấy người học làm trung tâm”, ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường đã hướng đến mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, mang đến cho học sinh, sinh viên kiến thức, kỹ năng và giá trị cộng đồng cần thiết để thành công trong lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật. Trường hướng đến phát triển môi trường học tập sáng tạo, đa văn hóa và chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên phát triển toàn diện, nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong phát triển cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Để thực hiện sứ mệnh này, Trường luôn chú trọng công tác đổi mới nội dung đào tạo, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng cường cơ sở vật chất. Toàn bộ chương trình đào tạo được xây dựng theo chương trình khung do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, được nhà trường tổ chức biên soạn, điều chỉnh hàng năm. Tài liệu, giáo trình đảm bảo đáp ứng 100% chương trình đào tạo, cập nhật liên tục.

 

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, lấy nâng cao chất lượng đào tạo làm hướng đi chủ đạo

Ngoài ra, Trường còn chủ động lựa chọn những nội dung chuyên môn các môn học, mô đun có nội dung phù hợp để thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên; xây dựng và ban hành quy chế đào tạo trực tuyến, quy định rõ quyền và trách nhiệm của giáo viên, học sinh để đảm bảo tiến độ, chất lượng đào tạo. Đặc biệt, Trường duy trì liên lạc học sinh sau tốt nghiệp để khảo sát, lấy ý kiến về nội dung đào tạo nhằm từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, có đầy đủ tiêu chuẩn về lý luận chính trị, an ninh quốc phòng, ngoại ngữ, tin học và các nghiệp vụ khác,… Hệ thống cơ sở, trang thiết bị đào tạo của Nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới khoa học công nghệ, tương thích với các thiết bị của doanh nghiệp với 49 phòng học lý thuyết, 20 phòng học thực hành. Các thiết bị đào tạo cơ bản đáp ứng danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu theo yêu cầu đào tạo của từng mã ngành. Ngoài ra, Trường còn có thư viện, khu tập luyện thể dục thể thao và các công trình phụ trợ khác. Nhờ đó, chất lượng đào tạo của Trường ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. 100% học sinh của Trường đủ điều kiện dự thi và tốt nghiệp.


Trường tham dự Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc

Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, một trong những nỗ lực góp phần tạo nên thành công của nhà trường đó là liên kết với doanh nghiệp để học sinh thực hành rèn luyện tay nghề. Trường thường xuyên tổ chức mô hình khoa tự chủ kết hợp doanh nghiệp tham gia vào công tác quản lý, hướng dẫn, đưa học sinh xuống thực hành tại doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, trang thiết bị thực hành; tiếp nhận học sinh sau khi ra trường về làm việc tại doanh nghiệp. Trong quá trình học tập, học sinh được tham gia các kỳ thực tập tại doanh nghiệp có hỗ trợ kinh phí với mức bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.

Hiện nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp trong các lĩnh vực như: Khách sạn Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Công ty Cổ phần ZoHotels, Công ty cổ phần thương mại Cổng Vàng; Viện thẩm mỹ Pandona Spa; Công ty TNHH DV&ĐT làm đẹp Dalspa; Công ty máy tính MTV; Công ty TNHH Phần mềm Tâm Phát; Công ty CP Cơ điện lạnh và Thương mại M&E; Công ty CP Quản lý&Khai thác tòa nhà VNPT-PMC; Công ty TNHH Lâm Anh Việt Nam, Công ty cổ phần Hawee cơ điện;…


Trường luôn hướng đến mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, mang đến cho học sinh, sinh viên kiến thức, kỹ năng và giá trị cộng đồng cần thiết

Không chỉ vậy, hướng đến đào tạo theo chuẩn thị trường lao động quốc tế, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long đã tăng cường tìm kiếm các nhà tài trợ, tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng, thực hiện các dự án phù hợp với mục tiêu của nhà trường. Trường đã thực hiện đào tạo nghề cho hơn 800 nữ lao động nhập cư thuộc dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ lao động nhập cư (SAFE)" của tổ chức Plan; hợp tác với tổ chức phi chính phủ như: VSEP trong nâng cao năng lực lãnh đạo cũng như xây dựng phát triển chương trình theo chuẩn DACUM; Tổ chức Batik International phát triển dự án hỗ trợ phụ nữ trẻ là lao động nhập cư trên địa bàn huyện Đông Anh cũng như các em học sinh,…

Ông Tạ Văn Xã, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, lấy nâng cao chất lượng đào tạo làm hướng đi chủ đạo; tăng cường bồi dưỡng chuyên sâu, cập nhập kiến thức lý thuyết và thực hành mới cho đội ngũ giáo viên. Song song đó, xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng mở, từ trọng “cung” sang hướng trọng “cầu”; bám sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó nhanh chóng thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động.

Nguồn: Vietnam Business Forum