15:55:02 | 19/4/2024
Việc trở thành thị xã là dấu mốc rất quan trọng, mở ra thời cơ mới để Việt Yên bứt phá vươn lên, phát triển bền vững. Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên đã trao đổi với phóng viên về những định hướng xây dựng thị xã văn minh, giàu mạnh, đô thị mới thông minh, năng động, hiện đại, hội nhập, hòa chung với dòng chảy phát triển của tỉnh Bắc Giang.
Ngày 12/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 938/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thị xã Việt Yên. Ông có những chia sẻ gì về dấu mốc quan trọng này cũng như thời cơ và thách thức khi Việt Yên trở thành thị xã?
Nghị quyết số 938/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Việt Yên đã được thông qua vào ngày 12/12/2023, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của địa phương. Sự kiện này không chỉ là sự công nhận của Trung ương về những nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, nhân dân Bắc Giang nói chung và thị xã Việt Yên nói riêng, mà còn là một bước quan trọng trên con đường phát triển, hội nhập của Việt Yên.
Việc được nâng lên thành thị xã mở ra rất nhiều cơ hội để địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) trong tương lai, trong đó mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ nhiều nguồn vốn và các thành phần kinh tế khác nhau, cả trong và ngoài tỉnh. Các cơ chế, chính sách mới sẽ được thiết lập để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, cùng với đó là việc nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ và phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của đô thị, tạo ra việc làm mới, tăng thu nhập và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp thị xã thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng là trung tâm KT - XH của tỉnh.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ được cải thiện từ cơ sở vật chất đến chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực. Hệ thống y tế cũng tiếp tục được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn chỉnh, hiện đại bao gồm cả việc thu hút đầu tư vào các dịch vụ y tế chất lượng cao, giúp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trong thị xã và các vùng lân cận. Các trung tâm văn hóa, thể thao cũng sẽ được nâng cấp, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động văn hóa, giải trí của cộng đồng.
Mặc dù có nhiều cơ hội, thị xã cũng đối mặt với nhiều thách thức. Sự chênh lệch giàu nghèo, đặc biệt là giữa các tầng lớp và khu vực có thể tăng lên khi KT - XH phát triển. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế có thể dẫn đến sự thiếu hụt việc làm và gây ra các vấn đề xã hội khác nhau. Việc phát triển hạ tầng có thể dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường, như khối lượng chất thải và nước thải tăng lên,…
Để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, thị xã Việt Yên xác định: Sẽ kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chú trọng công nghiệp chế biến, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Việt Yên
Là địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp, là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang, vậy Việt Yên đề ra những mục tiêu phát triển cũng như giải pháp nào nhằm tiếp tục bứt phá, khẳng định vị thế của một thị xã “trẻ”?
Năm 2024 đánh dấu năm thứ tư thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII và Nghị quyết của HĐND thị xã về phát triển KT - XH trong giai đoạn 2021 - 2025. Với vai trò quan trọng, đây là năm đặt nền móng cho việc đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển KT - XH, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển KT - XH trên địa bàn thị xã.
Theo đó, UBND thị xã đã xây dựng Kế hoạch thực hiện với các mục tiêu cụ thể, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, duy trì vị thế trung tâm công nghiệp của tỉnh. Tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 19,9%, đồng thời triển khai Quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, duy trì vị trí tốp đầu về Chỉ số cải cách hành chính và DDCI. Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, ứng dụng công nghệ số, phát triển giáo dục và đào tạo, chú trọng đến chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng - an ninh.
Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết chuyên đề, các Kết luận của Trung ương, của tỉnh và thị xã. Huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ để đẩy mạnh phát triển đồng bộ, toàn diện. Thu hút đầu tư, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng hiện đại, đồng bộ, quản lý tài nguyên đất đai và bảo vệ môi trường. Siết chặt kỷ luật, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm trong công tác thực hiện nhiệm vụ, song song với việc cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số.
Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ hoàn thành mục tiêu thu ngân sách; sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư công. Tăng cường quy hoạch và quản lý quy hoạch; quản lý trật tự xây dựng; huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hạ tầng KT - XH, đô thị đồng bộ, từng bước hiện đại. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và xây dựng đô thị văn minh. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số…
Quảng trường Thân Nhân Trung, thị xã Việt Yên
Về dư địa thu hút đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư khẳng định Việt Yên còn nhiều dư địa về tăng trưởng. Ông chia sẻ ra sao về vấn đề này? Việt Yên có thông điệp gì chuyển tải đến doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh tìm hiểu cơ hội cũng như đầu tư vào địa phương?
Thị xã Việt Yên là một trong những địa phương có tiềm năng đầu tư lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam. Với vị trí đắc địa, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực dồi dào, Việt Yên là một điểm sáng về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 05 khu công nghiệp (KCN) và 05 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động và đầu tư xây dựng với tổng diện tích 2.000ha. Có 2.724 DN đang hoạt động trên địa bàn thị xã, thu hút trên 142.000 công nhân lao động. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 19,94%, bình quân giai đoạn 2020 - 2023 đạt 25,56%/năm; cơ cấu công nghiệp chiếm 98,98%; thu ngân sách nhà nước vượt 39% so với dự toán,…
Với hai trục kinh tế: Trục Bắc - Nam (dọc cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) đã và đang hình thành nhiều KCN, CCN có quy mô lớn và trục Đông - Tây (dọc quốc lộ 37 và đường tỉnh 298; 295 - vành đai IV,...) cùng cú hích từ đầu tư hạ tầng, Việt Yên hứa hẹn tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Nhằm thu hút các DN, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội cũng như đầu tư vào địa phương, trong thời gian tới thị xã Việt Yên tập trung khai thác lợi thế để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ - thương mại, phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội, xây dựng văn minh đô thị. Tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, đảm bảo đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại. Duy trì vị thế trung tâm công nghiệp, đầu tàu kinh tế của tỉnh. Hỗ trợ các nhà đầu tư, DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết thực chất, dứt điểm các vướng mắc của DN.
Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ như ngân hàng, bến xe, bãi đỗ xe, logictics và cảng tổng hợp trên sông Cầu. Đẩy nhanh tiến độ gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch và thu hút đầu tư các khu đô thị mới. Phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của địa phương.
Ngoài ra, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp, dịch vụ, đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển thương mại với du lịch, phát triển sản phẩm OCOP địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Bách (Vietnam Business Forum)