VBF đánh giá cao cải cách của ngành Thuế

10:52:00 | 25/4/2024

Mới đây, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị đối thoại với Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) nhằm trao đổi, giải đáp các đề xuất, kiến nghị có liên quan đến lĩnh vực thuế.

Đồng hành cùng DN

Chủ trì hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - ông Đặng Ngọc Minh cho biết, trong thời gian vừa qua, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Với tinh thần luôn đồng hành, hỗ trợ DN và người dân, hàng năm Tổng cục Thuế đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản của các DN trên cả nước liên quan đến các vấn đề phát sinh. Riêng với VBF, sau mỗi kỳ hội nghị đối thoại, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc rà soát, tổng hợp các nội dung vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và đã có giải đáp cụ thể cho DN.

Không chỉ có vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thuế đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, DN với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ. Nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý nên thu NSNN đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, năm 2023, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đã vượt 1,5 triệu tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2024, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 490.196 tỷ đồng, bằng 33% dự toán năm, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Giải đáp kịp thời các vướng mắc

Tại hội nghị, các DN đều đánh giá cao những nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng như những cải cách thuế của Việt Nam. Tuy nhiên, với hoạt động sản xuất kinh doanh rất phong phú, đa dạng nên DN vẫn gặp phải những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Cụ thể, Trưởng nhóm Công tác thuế và hải quan VBF, bà Hương Vũ cho biết, theo quy định về pháp luật thuế TNDN, một trong các điều kiện để dự án đầu tư quy mô lớn 12.000 tỷ được hưởng ưu đãi thuế TNDN là “sử dụng công nghệ được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và công nghệ”. DN đã đáp ứng được các điều kiện về vốn, doanh thu, sản phẩm và thị trường theo quy định; riêng với tiêu chí sử dụng công nghệ cao, Bộ Tài chính lại yêu cầu tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ. Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, năm 2023 đã tham mưu Bộ Tài chính có Công văn số 6544/BTC-TCT gửi UBND TP Hải Phòng và Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng. Trong đó, nêu rõ, để có căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật, Công ty tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc thẩm định công nghệ sản xuất của Công ty theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và công nghệ. Qua theo dõi được biết, Bộ Khoa học và công nghệ đã có Công văn số 4247/KHCN-ĐTG ngày 17/11/2023 gửi Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng với nội dung: “…chưa đủ cơ sở để xác nhận Công ty thuộc trường hợp không phải thẩm định công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc pháp luật về khoa học và công nghệ”. Để tháo gỡ về vấn đề này, DN cần tiếp tục làm việc với các Bộ chuyên ngành. Trường hợp DN đảm bảo đúng các yêu cầu của Luật Thuế TNDN thì Bộ Tài chính sẽ thực hiện ngay việc để DN hưởng ưu đãi theo thẩm quyền.

Về câu hỏi liên quan đến chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản cố định tại địa bàn ưu đãi đầu tư, đại diện Tổng cục Thuế đã trích dẫn cụ thể các quy định tại Điều 7, Khoản 5 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 và Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN để làm rõ. Theo đó, nếu DN có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn thì thu nhập được hưởng ưu đãi là thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án đầu tư trên địa bàn ưu đãi trừ các khoản thu nhập không được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN. Các khoản thu nhập không thuộc thu nhập phát sinh trên địa bàn ưu đãi đầu tư, không thuộc thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án đầu tư thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Liên quan đến kiến nghị bổ sung Quy chế hướng dẫn về việc tham chiếu APA song phương đã ký bởi các công ty trong cùng tập đoàn của người nộp thuế với các cơ quan thuế nước ngoài khác cùng chức năng với người nộp thuế tại Việt Nam, đại diện Cục Quản lý thuế DN lớn nêu rõ, quy định hiện hành (Luật Quản lý thuế) của Việt Nam đã có cơ chế này để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình giải quyết hồ sơ của người nộp thuế. Cũng theo quy định pháp luật hiện hành thì việc giải quyết hồ sơ APA của người nộp thuế cũng cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ngành có liên quan, nhất là đối với các hồ sơ song phương/đa phương có sự tham gia của các cơ quan thuế nước ngoài. Bên cạnh đó, việc giải quyết hồ sơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.. Trong đó yếu tố chủ quan là mức độ tuân thủ của các DN trong việc thực hiện các quy định pháp luật. Còn yếu tố khách quan hiện nay là bối cảnh kinh tế có nhiều biến động ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của chính các DN nộp APA và kết quả thực hiện các Hiệp định đa phương (là kết quả chương trình hành động BEPS), đặc biệt là chính sách thuế bổ sung theo trụ cột II. Ngoài ra, có nhiều DN đã nộp hồ sơ APA cho cơ quan thuế Việt Nam nhưng lại sử dụng cơ sở dữ liệu là thông tin, dữ liệu do DN/tổ chức tự cung cấp mà chưa được tổ chức nào kiểm chứng, xác nhận đảm bảo tính pháp lý nên chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành (Khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14). Do đó, đối với các hồ sơ APA song phương, đa phương, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo kiến nghị, đề nghị các DN, các hiệp hội chủ động tích cực phối hợp với cơ quan thuế Việt Nam, các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan của Việt Nam để tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo trình tự, thủ tục thực hiện các Điều ước quốc tế đã được quy định tại Luật Quản lý thuế.

Về vấn đề xử lý thuế đối với hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 1180/TCT-CS ngày 25/3/2024 trả lời Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP HCM, trong đó nêu rõ các căn cứ pháp lý để DN thực hiện.

Riêng với kiến nghị của các DN trong việc kê khai hóa đơn đầu vào bị bỏ sót đã được Bộ Tài chính tiếp thu đưa vào sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) Về  kiến nghị liên quan đến thời điểm phát hành hóa đơn điện tử của hàng xuất khẩu, Tổng cục Thuế sẽ ghi nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ. Tổng cục Thuế cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của VBF về tiêu chí xác định dự án đầu tư mở rộng, phân kỳ đầu tư để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính trong quá trình sửa Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Phát biểu tại hội nghị,  Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) Hong Sun đánh giá cao tinh thần hợp tác của Tổng cục Thuế khi đã giải đáp toàn bộ 19 câu hỏi VBF đề xuất... Trên tinh thần này, VBF sẽ thường xuyên tập hợp các vướng mắc thực tế phát sinh và tổ chức các buổi đối thoại, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tăng tính cạnh tranh và đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Trong năm 2024, dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội 3 dự án luật quan trọng là Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), và Luật Thuế TNDN (sửa đổi); đồng thời, đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Lê Hiền (Vietnam Business Forum)