10:29:37 | 17/6/2024
Gắn cải cách hành chính (CCHC) với chuyển đổi số (CĐS) trong việc triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường (TN&MT) trên địa bàn TP.Hải Phòng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định CCHC là một trong 3 khâu đột phá và nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, thời gian qua, Sở TN&MT Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN). Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Năm 2023, ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, kiểm soát thực hiện, hướng dẫn thực hiện báo cáo CCHC phổ biến đến từng phòng, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động, cũng như tham mưu UBND thành phố ban hành công bố các quyết định về thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực TN&MT, ngành TN&MT đã phối hợp với Đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại. Việc rà soát, nâng cao tỷ lệ TTHC toàn trình, tăng cường năng lực vận hành Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp để giảm tỷ lệ hồ sơ quá hạn và tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đã được Sở quan tâm sâu sát.
Ngoài ra, Sở TN&MT Hải Phòng duy trì tốt việc tham gia đối thoại với DN để tiếp nhận, phản ánh kiến nghị liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành và xem xét, giải quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc đầu tư. Trong năm, tổ chức 02 kỳ đối thoại, lắng nghe 41 ý kiến của 30 DN có các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực TN&MT.
Phát động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2024 trên địa bàn quận Hải An, TP.Hải Phòng
Sở cũng không ngừng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc. Năm qua, ngành tiếp nhận 108.445 hồ sơ TTHC (tiếp nhận trực tuyến: 64.998 hồ sơ), trong đó: đã giải quyết xong 104.006 hồ sơ và đang tiếp tục giải quyết là 4.439 hồ sơ.
Trong bối cảnh CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, ngành TN&MT thành phố đã chủ động, linh hoạt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Cùng với việc ban hành Kế hoạch CĐS năm 2023, ngành tập trung thực hiện 05 Đề án, trong đó có 02 đề án đã hoàn thành triển khai xong, là: “Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG)”; “Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai - giai đoạn I (thực hiện trên địa bàn 04 quận/huyện: Dương Kinh, Đồ Sơn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ)”. Hiện tại, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ 03 dự án: “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 trên địa bàn thành phố Hải Phòng”; “Hệ thống thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường; hệ thống thông tin báo cáo về môi trường của thành phố Hải Phòng”; Đề án “Xây dựng tổng thể Hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Hải Phòng”.
Trong công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận), ngành đã cấp 95 Giấy chứng nhận (GCN) lần đầu đối với tổ chức, nâng tổng số GCN đã cấp là 6.082/7.027 giấy (đạt 86,55% tổng số thửa cần cấp); UBND các quận, huyện cấp 5.655 GCN lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân, nâng tổng số GCN đã cấp trên toàn thành phố là 542.045/572.822 giấy (đạt 94,63% tổng số thửa cần cấp). Ngành tiếp tục phối hợp cùng các quận, huyện tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án các công trình trọng điểm của thành phố; thu hồi 110,1ha của 21 tổ chức và 1.699 hộ gia đình cá nhân, tổng số tiền bồi thường là 816,6 tỷ đồng; số hộ phải tái định cư là 502 hộ, trong đó đã bố trí tái định cư 447 hộ.
Ngoài ra, một trong những nội dung bảo vệ môi trường đã được ngành thực hiện tốt trong thời gian qua đó là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; vận hành trung tâm quan trắc môi trường tự động. Nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội cũng tiếp tục được nâng lên. Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước được quản lý chặt chẽ, khai thác tài nguyên đi vào nề nếp. Các hoạt động liên quan đến lĩnh vực biển và hải đảo, đo đạc bản đồ cũng có nhiều kết quả tốt.
Nắm bắt tinh thần chỉ đạo của thành phố, đồng thời bám sát chủ đề năm 2024 của thành phố “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và CĐS”; ngành TN&MT xác định mục tiêu tổng quát năm 2024: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh CCHC và thúc đẩy CĐS mạnh mẽ”. Trong đó, ngoài việc tập trung rà soát, đẩy mạnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngành sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả cao các đề án số hóa thuộc lĩnh vực ngành.
Bảo Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI