09:02:38 | 2/7/2024
Giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Nam xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh là phát triển công nghiệp bền vững. Đặc biệt, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.
Nâng cao giá trị gia tăng
Theo đó, tỉnh Quảng Nam khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, kéo dài chuỗi giá trị, giúp nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu. Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh, như: Điện tử, máy vi tính và thiết bị điện; công nghiệp vật liệu mới và sản xuất kim loại. Khôi phục và phát triển các lĩnh vực trong ngành cơ khí chế tạo; thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử phát triển.
Khu công nghiệp Thaco Chu Lai
Đồng thời, dịch chuyển sang các công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị gia tăng của từng ngành công nghiệp. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước với DN FDI trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từng bước tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN) đã được quy hoạch để thu hút đầu tư. Trong giai đoạn tới, không phát triển thêm khu, CCN ở các khu vực đô thị; tập trung và ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu, CCN tại khu vực phía Tây của tỉnh. Khuyến khích hình thành cụm sản xuất trong một số ngành công nghiệp ưu tiên, tạo nền tảng và cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển dịch vụ chất lượng cao; công nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến trong nông nghiệp ở vùng nông thôn. Thu hút các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh, có kết nối với các địa phương trong khu vực. Với nền tảng đã xây dựng được ở giai đoạn trước, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển giao sản xuất linh kiện thiết bị điện, điện tử từ DN FDI sang các DN nội địa.
Các ngành công nghiệp thế mạnh
Ngành thiết bị điện, điện tử
Xu hướng nhu cầu toàn cầu về sản phẩm điện tử rất cao, cạnh tranh giữa các nước trong khu vực trong lĩnh vực này cũng ngày càng mạnh. Tỉnh Quảng Nam tập trung phát triển ngành thiết bị điện, điện tử để trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo động lực cho các ngành khác phát triển. Liên kết sản xuất các DN trong tỉnh với các DN FDI để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Ưu tiên ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và quản lý tổng thể DN điện tử nhằm tối ưu hóa quy trình.
Tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử theo hướng gia dụng; CNHT thiết bị điện, điện tử, tin học; sản xuất thiết bị điện (chủ yếu các thiết bị tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo). Tạo điều kiện cho các DN đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, kéo dài chuỗi giá trị, hướng tới hình thành ngành chuyên sản xuất sản phẩm điện sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Ngành cơ khí chế tạo
Ngành cơ khí chế tạo là một trong những ngành công nghiệp quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, trong những năm tới, trên cơ sở ngành sản xuất lắp ráp ô tô, ngành cơ khí chế tạo, Quảng Nam tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ, đầu tư công nghệ hiện đại; nâng cao năng lực đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn để chế tạo chi tiết, phụ tùng cho sản xuất 3 nhóm sản phẩm cơ khí chính là thiết bị đồng bộ, máy công cụ và máy móc xây dựng,... Từng bước chuyển dịch cơ cấu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để phục vụ xuất khẩu.
Ưu tiên các sản phẩm đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, trình độ tự động hóa cao hơn. Tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm linh kiện phụ tùng, thiết bị phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, có thế mạnh của tỉnh và lan tỏa cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cụ thể là các sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao, các loại khuôn mẫu, khuôn đúc nhựa có độ chính xác cao; các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao; các loại chi tiết nhựa chất lượng cao;... Hình thành hệ thống DN có khả năng cung ứng sản phẩm linh kiện cho DN lắp ráp, đặc biệt là các DN FDI, DN lớn của vùng kinh tế trọng điểm. Tập trung phát triển năng lực thiết kế, chế tạo linh kiện, cụm linh kiện phức tạp hướng tới thị trường xuất khẩu.
Ngành dệt may, da giày
Những năm qua, ngành công nghiệp dệt may của tỉnh phát triển nhanh và có những bước tăng trưởng rõ rệt, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển KT - XH của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa thật sự vững chắc. Phần lớn sản phẩm may mặc trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo hình thức gia công (CMT) cho các DN FDI để xuất khẩu (trong đó tỷ trọng CMT chiếm khoảng 90%). Còn ngành dệt vải chủ yếu vẫn là dệt thủ công, chất lượng sản phẩm chưa cao, giá trị sản xuất thấp.
Do vậy, tỉnh Quảng Nam đang xây dựng chiến lược cụ thể, tạo mọi điều kiện để các DN huy động mọi nguồn lực nhanh chóng chuyển đổi từ phương pháp gia công truyền thống sang phương thức FOB (mua nguyên liệu - bán thành phẩm); tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất nhằm tăng giá trị, hiệu quả sản xuất. Đồng thời, UBND tỉnh đã phê duyệt Ðề án phát triển CNHT ngành dệt may trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020.
Theo đó, địa phương sẽ hình thành trung tâm phát triển CNHT ngành dệt may tập trung tại các huyện: Quế Sơn và Thăng Bình; tiến hành quy hoạch và kêu gọi các dự án đầu tư nhà máy sản xuất xơ, sợi và dệt nhuộm; dự án sản xuất phụ liệu tại một số khu, CCN trên địa bàn các huyện: Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn,... Cùng với đó là hàng loạt chính sách ưu đãi, thu hút các DN vào mở cơ sở dệt may, da giày, mây tre lá và đầu tư khôi phục các làng nghề truyền thống ở nông thôn như hỗ trợ mặt bằng sạch tại các CCN hoặc mặt bằng có sẵn ngoài khu, CCN và cấp điện đến chân hàng rào dự án; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề cho lao động; hỗ trợ 100% kinh phí khi tham gia hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại trong tỉnh;...
Ðể phát triển ngành dệt may, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác và đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) làm đầu mối kêu gọi các DN trong và ngoài nước đầu tư các dự án thuộc ngành CNHT dệt may vào mở cơ sở sản xuất tại địa phương và tạo điều kiện cho các DN dệt may của tỉnh tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tới đây, Quảng Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chiến lược thu hút đầu tư CNHT ngành dệt may, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho CNHT ngành dệt may và ban hành các chính sách ưu đãi để tạo động lực trong thu hút đầu tư phát triển ngành dệt may. Qua đó, giải quyết việc làm, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và tạo bước đột phá trong phát triển KT - XH.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI