15:21:19 | 15/7/2024
Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Đông Nam Á, ngành Công Thương thành phố tiếp tục tập trung khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương về những nỗ lực này.
Bà có thể cho biết những kết quả nổi bật của ngành Công Thương Đà Nẵng trong thời gian qua?
Năm 2023, thực hiện chủ đề của TP.Đà Nẵng là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động, ngành Công Thương Đà Nẵng đã nỗ lực thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngành cũng đã hoàn thành cơ bản các nội dung đề xuất trong lĩnh vực công thương tích hợp Quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023. Trong đó, đề xuất định hướng chiến lược và danh mục các dự án ưu tiên để phát triển ngành trên các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng thương mại, năng lượng, cấp điện. Hoàn thành, tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ logistics TP.Đà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Đề án “Bảo vệ môi trường ngành Công Thương”; Đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan du thuyền”. Triển khai nhiều chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), như hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ xúc tiến thương mại, giúp các DN đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, ngành tập trung chú trọng vào công tác chuyển đổi số như: Hỗ trợ DN, tiểu thương tại các chợ áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh (thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức phát động phong trào và tập huấn livestream bán hàng…); nghiên cứu hỗ trợ DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng mô hình sản xuất thông minh trong hoạt động SXKD.
Bên cạnh thành quả đạt được, ngành gặp phải những khó khăn gì và đâu là giải pháp tháo gỡ?
Trong năm 2023, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhất định, nhưng hoạt động của ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Phải kể đến là hoạt động SXKD của DN ở hầu hết các ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm tổng cầu giảm mạnh khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Thêm vào đó, công tác triển khai đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) còn chậm; chưa hình thành các DN “đầu đàn” có ảnh hưởng lớn, tác động lan tỏa, thúc đẩy các DN tại thành phố phát triển,… Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất công nghiệp còn hạn chế và chậm triển khai dẫn đến thiếu mặt bằng cho DN đầu tư xây dựng dự án hoặc mở rộng SXKD.
Do vậy, trên nền tảng kết quả đạt được trong năm 2023 và căn cứ tình hình thực tế trong những tháng đầu năm 2024, ngành đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển TP.Đà Nẵng. Cụ thể như chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào các lĩnh vực sản xuất, logistics, thương mại dịch vụ và một số chính sách giúp khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện phát triển các công trình kết cấu hạ tầng thương mại như logistics, chợ. Phối hợp đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo các dự án đang triển khai, nhất là các dự án quy mô lớn, đi vào hoạt động đúng tiến độ.
Tiếp tục hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử TP.Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đề xuất hình thành Trung tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng của TP.Đà Nẵng. Dự kiến trong năm 2024 sẽ tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ngoại thương. Đặc biệt, tăng cường công tác cải cách hành chính, lấy DN là trung tâm.
Đà Nẵng định hướng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn với hạ tầng và hệ thống phân phối đồng bộ, hiện đại, là trung tâm phát luồng hàng hóa của khu vực và cả nước
Bà có điều gì muốn gửi gắm đến cộng đồng DN, nhà đầu tư?
Với tinh thần đồng hành cùng địa phương trong mọi công tác, ngành cũng đang tập trung vào những định hướng cụ thể. Đó là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn với hạ tầng và hệ thống phân phối đồng bộ, hiện đại, là trung tâm phát luồng hàng hóa của khu vực và cả nước. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt bình quân 10 - 12%/năm. Từng bước tham mưu UBND thành phố triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển dịch vụ logistics TP.Đà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Đề án “Phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn TP.Đà Nẵng”,... Qua đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế thành phố trong tương lai. Đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế. Xây dựng các chính sách nhằm thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (như công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới,... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo. Chúng tôi cũng đã tham mưu UBND thành phố thúc đẩy việc hình thành các CCN nhằm phục vụ nhu cầu mặt bằng sản xuất của DN, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ, các cơ sở sản xuất trong khu dân cư nhằm hỗ trợ thúc đẩy sản xuất đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tích cực tham gia cùng các ngành triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng đối với các nội dung liên quan lĩnh vực Công Thương (về thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng; về quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công; về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics). Đây là những vấn đề cốt lõi để tạo đà cho sự phát triển trong thời gian tới.
Có thể nói, cộng đồng DN luôn đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Qua đây, với vai trò là người đứng đầu ngành, tôi cam kết luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng cộng đồng DN, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Sở Công Thương nói riêng và các ngành của thành phố nói chung rất mong DN, nhà đầu tư hãy chia sẻ những khó khăn vướng mắc gặp phải, để chúng tôi xem xét giải quyết, tham mưu trình các cấp giải quyết theo thẩm quyền một cách nhanh chóng, kịp thời và thấu đáo. Chúng tôi luôn lấy sự thành công, phát triển của DN và nhà đầu tư là thước đo cho chất lượng, hiệu quả của công tác điều hành của cơ quan nhà nước.
Trân trọng cảm ơn bà!
Hoàng Lâm (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI