Doanh nghiệp trong các KCN Vĩnh Phúc: Giữ vững đà tăng trưởng

11:36:30 | 31/7/2024

Vượt qua khó khăn, thách thức và nắm bắt thời cơ thuận lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc đang trên đà phục hồi, ổn định, với nhiều tăng trưởng tích cực, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tranh thủ thời cơ, nỗ lực vượt khó

6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế thế giới có những chuyển biến tích cực do thị trường thế giới có sự phục hồi, lạm phát có xu hướng chững lại, tồn kho đang giảm dần tại các nước có thị trường là đối tác của các doanh nghiệp Việt Nam; số lượng đơn hàng ở các thị trường truyền thống đã tăng trở lại, đây là những tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp trong KCN tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và đặt mục tiêu tăng trưởng so với năm 2023.


Sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục giữ vai trò động lực quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc

Kết quả hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trong các KCN 6 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Lĩnh vực công nghiệp điện tử; lĩnh vực công nghiệp khác. Tuy nhiên, một số lĩnh vực bị giảm so với cùng kỳ năm trước như: Công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, xe máy; công nghiệp dệt may; công nghiệp vật liệu xây dựng.

Theo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, những khó khăn, vướng mắc trong SXKD của các doanh nghiệp chủ yếu là do thiếu hụt lao động và khan hiếm đơn hàng. Đơn hàng không ổn định, kéo theo việc nhân lực luôn thay đổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp đã tự chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường, đảm bảo việc làm bình thường cho người lao động; có phương án đầu tư mới máy móc thiết bị, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh..., nhằm duy trì hoạt động sản xuất ở mức ổn định, phấn đấu đạt vượt chỉ tiêu về sản lượng và doanh thu so với năm 2023 và mục tiêu đề ra.

Những tín hiệu tích cực

6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong KCN đã đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động SXKD. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI): Doanh thu ước đạt 5.871 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2023; giá trị xuất khẩu ước đạt 4.965 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.663 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp đầu tư trong nước (DDI): Doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất khẩu ước đạt 430 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 142 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong các KCN thu hút thêm 2.448 lao động mới, tăng tổng số lao động lũy kế đến ngày 05/6/2024 là 136.160 người, trong đó lao động là người Vĩnh Phúc 74.298 người (chiếm 54,6%).


Nhà máy Lumi Smart Factory Vĩnh Phúc tại (Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc)

Tại nhà máy Lumi Smart Factory (Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị Smarthome, IoT, các dây chuyền công nghệ tại đây đang hoạt động đạt gần 70% công suất, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực sản xuất đèn Lighting đạt sản lượng từ 1.500 - 2.000 đèn/tháng, dây chuyền SMT hàn dán bề mặt linh kiện điện tử đạt sản lượng 240.000 mạch/tháng; dây chuyền DIP hàn cắm linh kiện để cấu thành bảng mạch điện tử đạt sản lượng 200.000 mạch/tháng. 

Giám đốc nhà máy Lumi Smart Factory Vĩnh Phúc cho biết: Nền kinh tế trong nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đang có xu hướng phục hồi khá tốt. Với tiêu chí “giảm lượng, tăng chất”, nhà máy mở rộng sang lĩnh vực gia công linh kiện điện tử cho đối tác trong nước và quốc tế. Điển hình là Công ty Cổ phần Tập đoàn CNC Tech - một trong những doanh nghiệp quy mô tại Vĩnh Phúc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tín hiệu phục hồi tích cực tác động đến sản xuất, kinh doanh được xác định là do một số doanh nghiệp điện tử di chuyển các công đoạn sản xuất từ một số nhà máy tại Hàn Quốc và Trung Quốc về Việt Nam nên doanh nghiệp có thêm đơn hàng để ổn định, phát triển hoạt động sản xuất.

Bên cạnh những nỗ lực của các doanh nghiệp, để đạt được kết quả trên, thời gian qua, Ban Quản lý KCN tỉnh luôn đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; quan tâm lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành, theo phương châm chỉ đạo của tỉnh "Lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển"; tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư, tham mưu lãnh đạo Ban giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, tranh chấp của nhà đầu tư.

Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, quản lý hoạt động của các dự án bằng phần mềm, từ đó, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, sản xuất thuận lợi cho các nhà đầu tư/doanh nghiệp trong các KCN.

Bảo Ngọc (Vietnam Business Forum)