Dự kiến đến năm 2030 Vĩnh Phúc sẽ có 24 khu công nghiệp

11:45:10 | 5/8/2024

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển thêm 5 khu công nghiệp (KCN) mới, nâng tổng số KCN trên địa bàn tỉnh lên 24 KCN, với tổng quỹ đất 7.000 ha.


Công ty TNHH Vina NewFlex (KCN Bá Thiện 2)

Hiện đã có 9 KCN đi vào hoạt động ổn định bao gồm: KCN Khai Quang (221,46 ha); KCN Bình Xuyên (286,98 ha); KCN Kim Hoa (50 ha); KCN Bá Thiện (325,75 ha); KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21 ha); KCN Bá Thiện II (308,83 ha); KCN Tam Dương II - khu A (135,17 ha); KCN Sơn Lôi (257,35 ha); KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha). Các KCN đang hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy cao, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều đáng nói, các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ phát triển mạnh ở vùng lõi là thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, Tam Dương mà đã lan tỏa, dịch chuyển về các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch và Sông Lô, với tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt gần 70%. Hàng năm, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp từ 60 - 65% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; chiếm từ 60% - 65% giá trị xuất khẩu và nộp ngân sách chiếm 75 - 80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh (chưa kể Công ty Honda Việt Nam trong KCN Kim Hoa). Đồng thời, tỉnh tích cực triển khai hàng loạt các dự án KCN giàu tiềm năng khác, nổi bật là dự án KCN Nam Bình Xuyên (Green Park) nằm trong vùng quy hoạch công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT CNCTech Group cho biết: CNCTech Group đang triển khai 16 dự án tại Vĩnh Phúc trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, lắp ráp điện tử, nhà xưởng xây sẵn, logistic, dự án hạ tầng công nghiệp, điển hình như CNCTech Bá Thiện I, cụm công nghiệp Hợp Thịnh... sở hữu quỹ đất hơn 600 ha thu hút nhà đầu tư đến từ nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, dự án KCN Green Park Nam Bình Xuyên hợp tác với Tập đoàn PNX của Hàn Quốc với diện tích gần 300 ha đặt mục tiêu trở thành KCN xanh, thông minh, hiện đại, đáp ứng những yêu cầu cao từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Qua đó, không chỉ tạo bước đột phá phát triển thị trường hạ tầng công nghiệp mà còn góp phần thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển.

Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã hình thành, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy... Trong đó tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, bao gồm: sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo Báo cáo của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, đến ngày 15/7/2024, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 495 dự án, gồm 118 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 37.724,64 tỷ đồng và 377 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.720,89 triệu USD.

Thanh Loan (Vietnam Business Forum)