09:16:21 | 12/8/2024
Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Hội thảo đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Nghệ An năm 2023 và giải pháp cải thiện Chỉ số PCI trong những năm tiếp theo” tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tham dự Hội thảo, về phía VCCI có ông Hoàng Quang Phòng – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch VCCI; ông Bùi Xuân Sinh – Giám đốc Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình; các Chuyên gia đại diện Ban Pháp chế VCCI. Về phía tỉnh Nghệ An có ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Thanh An - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Cùng dự có đại diện các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, đại diện các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh; Lãnh đạo Ban Hỗ trợ xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh và các đại biểu tại các Điểm cầu UBND của 21 huyện, thành, thị tỉnh Nghệ An.
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của Chỉ số PCI đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế, từ năm 2012, Nghệ An đã sớm ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số PCI với nhiều giải pháp đồng bộ. Từ năm 2019 đến năm 2022, tỉnh Nghệ An đã luôn giữ các thứ hạng cao, đứng top đầu khu vực Bắc Trung Bộ và luôn nằm trong top 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng PCI toàn quốc (năm 2022 đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố, với tổng điểm 66,6). Tuy nhiên, năm 2023, chỉ số PCI của Nghệ An đã bị tụt hạng đáng kể. “Kết quả đó phần nào cho thấy các nỗ lực cải cách của chúng ta chưa đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí có dấu hiệu thụt lùi. Điều đó cũng cho thấy đâu đó vẫn còn những rào cản, những điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư”, đồng chí Bùi Thanh An thẳng thắn chia sẻ.
Cũng theo ông An, tỉnh Nghệ An không thể đổ lỗi cho các yếu tố khách quan, mà phải thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân cốt lõi và giải pháp đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo và định hướng Hội thảo, ôngHoàng Quang Phòng – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong 19 năm qua, Chỉ số PCI đã phản ánh cơ bản về thực tế chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương cấp tỉnh, bao gồm việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp dân doanh cùng với nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) của địa phương, trong đó có Nghệ An. Tỉnh nhà đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả tốt đẹp trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao Chỉ số PCI. “Tuy nhiên, chính quyền cần cố gắng hơn nữa bởi PCI là do chính doanh nghiệp tại Nghệ An nhìn nhận và đánh giá. Cộng đồng doanh nghiệp cùng với chính quyền các cấp cần có nhiều tương tác hơn nhằm gỡ các “nút thắt” đang có để cải thiện Chỉ số PCI trong tương lai. VCCI cam kết sẽ cùng với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp có các chương trình hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về năng lực cạnh tranh và nâng cao Chỉ số PCI trong thời gian tới’, đồng chí Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đại diện Ban Pháp chế VCCI đã báo cáo tóm tắt quá trình tiến hành phát phiếu điều tra đánh giá Chỉ số PCI tại các địa phương cũng như kết quả của Chỉ số PCI của Nghệ An năm 2023 cũng như những năm gần đây. Tuy Chỉ số PCI năm 2023 của Nghệ An không nằm trong Top 30, nhưng nhiều Chỉ số thành phần (CSTP) có chuyển biến tích cực như: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trên cơ sở phân tích rõ các CSTP tăng và giảm điểm, thứ bậc, chuyên gia cũng nêu rõ những tồn tại, khó khăn, xu hướng tiếp thu, cạnh tranh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Bên cạnh đó, chuyên gia của Ban Pháp chế đã đề cập đến Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) như là tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. PGI cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách địa phương và thể hiện mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường cũng như cách mà hai yếu tố này kết hợp để tạo ra tăng trưởng dài hạn.
Góp ý với Hội thảo, đại diện các Sở, Ban ngành, UBND thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tại Nghệ An đánh giá cao tầm quan trọng của Chỉ số PCI đối với chính quyền, kinh nghiệm nâng cao Chỉ số PCI, nguyên nhân và những giải pháp, vai trò của VCCI và các Tổ chức của Doanh nghiệp trong việc xử lý các kiến nghị, khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều ý kiến mạnh dạn và thẳng thắn chia sẻ, góp ý cách duy trì các CSTP, nâng thứ bậc các CSTP còn thấp như Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng… và kiến nghị với UBND tỉnh cần có lộ trình và các giải pháp mạnh, đồng bộ để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao Chỉ số PCI trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Với vai trò là cơ quan đại diện cho VCCI tại khu vực, đồng chí Bùi Xuân Sinh – Giám đốc Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình thẳng thắn chia sẻ bằng văn bản những kinh nghiệm, đề xuất và các giải pháp trong việc nâng hạng Chỉ số PCI trong những năm tới. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 2 năm qua liên tiếp, Nghệ An liên tiếp đứng trong Top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2023, lần đầu tiên ghi nhận tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An vượt mốc 1,6 tỷ USD và xếp vị trí thứ 8 những địa phương thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất cả nước.
Để môi trường đầu tư tỉnh nhà ngày càng tiến bộ, minh bạch, công khai nhằm nâng cao năng lực canh tranh, cải thiện Chỉ số PCI thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư, đồng chí Bùi Xuân Sinh cho rằng, tỉnh Nghệ An cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp như: UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục cùng với VCCI, các Hiệp hội Doanh nghiệp thu thập, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thông qua các cuộc họp giao ban, đối thoại với doanh nghiệp và các tổ chức của doanh nghiệp theo định kỳ; công tác CCHC trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm như: thể chế hành chính còn một số bất cập, chưa đồng bộ; tính hiệu quả và khả thi của một số cơ chế, chính sách trên địa bàn tỉnh chưa cao. Thủ tục hành chính (TTHC) ở một số lĩnh vực, sở ngành, địa phương vẫn còn rườm rà, hình thức, chất lượng chưa cao dẫn đến việc doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và niềm tin. Chính quyền cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn nữa; đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC, chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp; tinh giản, nâng cao chất lượng, đạo đức công vụ đội ngũ cán bộ, công viên chức nhằm xây dựng một chính quyền liêm chính, hiệu quả. Mặc dù lực lượng lao động dồi dào, nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, đặc biệt là lao động có chuyên môn, kỹ thuật và trình độ cao; tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp của lao động còn hạn chế. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có yêu cầu khắt khe về lao động. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền và các sở, ngành cần có các giải pháp cụ thể, đồng bộ như cải tiến công tác giảng dạy, tăng cường chất lượng giáo dục phổ thông và đại học; liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề; tổ chức các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, hiệu quả bám sát nhu cầu của doanh nghiệp; tổ chức các sàn giao dịch việc làm một cách thường xuyên hơn, hiệu quả hơn; đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường phối hợp giữa các sở ngành, VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, khảo sát và dự báo cung – cầu lao động;…
Đặc biệt sự sụt giảm tại CSTP Chi phí không chính thức sẽ kéo theo sự sụt giảm các chỉ số Chi phí thời gian, Tính năng động sáng tạo và ảnh hưởng gián tiếp đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp tới người đứng đầu. Vì vậy, tỉnh cần mạnh mẽ tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu và cám ơn các ý kiến đóng góp cũng như đề xuất một số giải pháp của các đại biểu. Ông cho biết, tỉnh nhà rất quan tâm và quyết tâm nâng cao Chỉ số PCI và dự kiến có nhiều nhóm giải pháp, nhiệm vụ giao cho các Sở, Ban ngành liên quan cũng như chính quyền các địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, Phó Chủ tịch yêu cầu lãnh đạo các sở, ban ngành và chính quyền các địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, nỗ lực tối đa để triển khai nhiệm vụ và giải pháp nhằm tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và nâng cao Chỉ số PCI trong những năm tới./.
Phan Huy Hùng (Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình)