Chuyển đổi và phát triển các khu công nghiệp mới theo định hướng xanh, bền vững

10:54:59 | 23/8/2024

Việc phát triển các khu công nghiệp (KCN) sinh thái, KCN xanh không chỉ là xu hướng chung mà còn góp phần quan trọng trong hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (NetZero) vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam.

Nhiều kết quả nổi bật

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế, là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, thời gian qua, Việt Nam đã thí điểm chuyển đổi một số KCN từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn và liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Giai đoạn 2015-2019, sáng kiến KCN sinh thái được triển khai thí điểm tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ. Sau hơn 4 năm triển khai hỗ trợ chuyển đổi 04 KCN thí điểm (KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu tại Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ), các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn đã giúp 72 doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, 140 TJ nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp; giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải; cắt giảm 32 Kt khí CO2/năm.

Từ năm 2020 - 2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCN sinh thái tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh và thu được các kết quả rất đáng khích lệ. Tính đến hết tháng 5/2024, đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 04 KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng) và Hoà Khánh (Đà Nẵng). Trong đó, 429 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp; đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 03 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Giai đoạn 2024-2028, trên cơ sở các kết quả tích cực đã đạt được, Chính phủ Thụy Sỹ đã cam kết tiếp tục cùng UNIDO đồng hành với Việt Nam đẩy mạnh triển khai KCN sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn. Văn kiện Dự án "Nhân rộng phương pháp tiếp cận KCN sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" với tổng vốn hỗ trợ 3,6 triệu USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt tháng 8/2024, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện KCN sinh thái tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và Long An. 

Bên cạnh đó, trong các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức quốc tế khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới hỗ trợ xây dựng KCN sinh thái tại Bình Dương; thực hiện các mạng lưới tuần hoàn nước đối với một số KCN tập trung nhiều hoạt động dệt may tại Hưng Yên, Thừa Thiên Huế; tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác với Phái đoàn liên minh Châu Âu (EU), tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững Việt Nam của Hà Lan (IDH),... Qua đó, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN thực hiện kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Nhận định về những cơ hội và thách thức cho phát triển KCN xanh thời gian tới, bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ Trưởng Vụ Quản lý KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cho biết: Thế giới đang trong quá trình điều chỉnh mạnh mẽ, làm thay đổi trật tự và cấu trúc thương mại, đầu tư. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp bứt phá; đặc biệt trong thu hút đầu tư và tham gia chuỗi giá trị của những ngành công nghiệp mới như năng lượng xanh, công nghiệp bán dẫn. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới.

Theo đó, các KCN cần mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới. Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Sillicon Việt Nam”. Lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...

Đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7/2024, Việt Nam có 431 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha, trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT. 

Đặc biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT các địa phương thông qua: cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic); tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, KKT trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình KCN mới như KCN sinh thái. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, xây dựng Luật KCN, KKT để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình KCN, KKT.

Thu Hà (Vietnam Business Forum)