Hà Nội mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP

10:41:43 | 28/8/2024

Hà Nội đã và đang dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, hiệu quả của Chương trình tạo ra “làn gió” mới trong sản xuất và phát triển nông nghiệp của Thành phố. Câu chuyện phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP luôn được thành phố quan tâm, các chủ thể chú trọng.

Theo thống kê, Hà Nội có 2.711 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Những năm qua, Hà Nội luôn xác định phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ số thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó CVP Văn phòng điều phối Chương trình NTM Hà Nội, hiện nay chúng ta đã và đang bước vào kỷ nguyên số. Các chủ thể OCOP cần nắm bắt và chuyển đổi mạnh mẽ để tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn. Bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống tại các điểm bán hàng, cần tăng cường hình thức bán hàng online, livestream qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook và Fanpage, App Store, Google play, Zalo,…

Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, ông Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Thăng Long cho biết: Cong ty tập trung vào xây dựng thương hiệu. Để bán hàng hiệu quả việc đầu tiên phải thay đổi bao bì, nhãn mác. Đến nay, Công ty đã sản xuất và bán nhiều loại sản phẩm trên thị trường với thương hiệu cà gai leo Sa Du như: Cà gai leo nguyên chất, cà gai leo túi lọc, cà gai leo hòa tan và viên nang cà gai leo có tác dụng mát gan, tiêu độc và nhiều công dụng khác nhau được ghi đầy đủ thông tin trên nhãn mác, thuận tiện cho người tiêu dùng. Mỗi sản phẩm đều có mã vạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc nên nhận được niềm tin tưởng từ khách hàng sử dụng.

Cùng với sự thay đổi sản phẩm, chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ Sel online, đội livestream, xây dựng các kênh bán hàng online như các trang facebook: SADU, Trà cà gai leo SADU, Trà túi lọc cà gai leo SADU,... Bản thân tôi là kỹ sư nông nghiệp nhưng cũng phải học livestream bán hàng, cũng khá vất vả…. Chúng tôi xác định online là kênh bán hàng chính vì nó dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn, giảm thiểu chi phí bán hàng. Tuy nhiên, câu chuyện bán hàng online cũng không hề dễ dàng. Có thời điểm, chúng tôi bán được đến 3 tỷ doanh thu nhưng hạch toán vẫn lỗ. Hiện nay, trà cà gai leo SADU đã có vị trí khá vững chắc trên thị trường. Doanh thu bình quân đạt khoảng trên 1 tỷ đồng/tháng. Vì vậy, tôi cho rằng, đối với các chủ thể OCOP, việc triển khai ứng dụng công nghệ số là hết sức cần thiết. Nhưng để triển khai được, các chủ thể phải phá bỏ tư duy bảo thủ trong sản xuất, phải nắm bắt, lắng nghe thị trường để đổi mới sản phẩm; dám đầu tư và chấp nhận rủi ro; tất nhiên phải trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng để có những quyết định đầu tư phù hợp. Ông Kiên chia sẻ.

Hướng đến tiên phong trong xuất khẩu sản phẩm OCOP

Để sản phẩm OCOP lan tỏa rộng khắp ở thị trường trong và ngoài nước, trong những năm qua, Hà Nội đã  tổ chức lại sản xuất, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm OCOP

Tuy nhiên để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP của Hà Nội vẫn phải tiếp tục khắc phục hạn chế. Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhận xét: “Qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, chúng tôi nhận thấy nhiều sản phẩm bao bì vẫn đơn giản; câu chuyện sản phẩm còn sơ sài, chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương; chủ thể OCOP chưa biết xúc tiến thương mại...”.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp- Bộ NN&PTNT Nguyễn Minh Tiến cho rằng, sản phẩm OCOP đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước thì hoàn toàn có thể vươn tầm ra thế giới. Vấn đề quan trọng là phải biết kể câu chuyện sản phẩm như thế nào, phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm, phải hiểu được tâm lý, nhu cầu tiêu dùng của thế giới... từ đó, "sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có. Do vậy, rất cần sự tương tác giữa các làng nghề truyền thống, các chủ thể OCOP với thị trường thế giới để có ứng dụng phù hợp trong sản xuất. Để hỗ trợ, năm 2024, Bộ NN&PTNT lựa chọn sản phẩm OCOP tiêu biểu để thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, đơn vị tập huấn cho chủ thể OCOP về quản trị kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì, định vị thị trường, mở kênh bán hàng…

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó CVP Văn phòng điều phối Chương trình NTM Hà Nội cho biết: Để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP và phát triển bền vững, xây dựng được chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu, Hà Nội tiếp tục  hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế mẫu mã; hỗ trợ các chủ thể nói riêng và làng nghề nói chung; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP  trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ. Hà Nội mong muốn sản phẩm OCOP của thành phố không chỉ đại diện cho Thủ Đô mà còn là sản phẩm tiên phong của Việt Nam khi xuất khẩu.

Bảo Đan (Vietnam Business Forum)