Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đón đoàn Thượng viện Úc đến thăm và làm việc tại Cảng Tân Cảng Cát Lái

09:32:23 | 30/8/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 đến 30/8/2024, đoàn Thượng viện Úc do bà Sue Lines, Chủ tịch Thượng viện Úc, dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Cảng Tân Cảng Cát Lái, trực thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG).

Chiều ngày 29/8/2024, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã long trọng tiếp đón đoàn Thượng viện Úc, do Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty, chủ trì. Chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Úc, đặc biệt trong các lĩnh vực khai thác cảng, logistics và vận tải biển.


Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty, chủ trì, tiếp đón đoàn Thượng viện Úc

Tại buổi làm việc, Đại tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty, bày tỏ cảm xúc và chia sẻ thông tin thị trường, cũng như tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai bên: Chúng tôi rất vui mừng và vinh hạnh được chào đón đoàn lãnh đạo cấp cao Thượng Viện Australia do Bà Sue Lines – Chủ tịch Thượng viện làm trưởng đoàn cùng đoàn đến thăm và làm việc với TCT TCSG hôm nay.

Trong nhiều năm qua, Australia vẫn duy trì là một trong những đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, xếp thứ 12 trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả nước (Số liệu năm 2023 của Tổng cục Hải quan). Xuất khẩu của Việt Nam sang Australia mặc dù có sự biến động qua các năm nhưng nhìn chung có xu hướng tăng trong giai đoạn 2014-2023, từ 3,99 tỷ USD năm 2014 đến 5,22 tỷ USD năm 2023.

Tháng 5/2024 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Australia với mức tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2023, đưa tháng 5/2024 ghi dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam đã xuất siêu sang Australia với hơn 54,6 triệu USD.  Trong 7 tháng năm 2024, thương mại song phương đạt 8,23 tỷ USD (Xuất khẩu đạt 3,76 tỷ USD, Nhập khẩu đạt 4,47 tỷ USD), tương đương khoảng 60% của cả năm 2023.

Do đó, Australia là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam nhờ lợi thế ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định AANZFTA, CPTPP, RCEP. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này còn rất khiêm tốn khi chỉ chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (Số liệu năm 2023 của Tổng cục Hải quan). Về phía Australia, Việt Nam cũng nằm trong top 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của nước này, tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 2,3% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Australia (Số liệu năm 2023 của ITC Trademap). Như vậy có thể thấy tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Australia vẫn còn rất lớn.

Các mặt hàng xuất khẩu chính và thị phần

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Australia là máy móc thiết bị điện, nhiên liệu khoáng, giày dép, quần áo, thủy sản, đồ nội thất, hoa quả tươi…

Trong số các sản phẩm nói trên, Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu lớn nhất vào Australia đối với 7/10 nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, thị phần nhập khẩu các sản phẩm Việt Nam của Australia còn tương đối hạn chế, chỉ có một số ít nhóm hàng là giày dép, thủy sản, trái cây tươi chiếm thị phần nhập khẩu lớn tại thị trường Australia, lần lượt chiếm 25,8%, 25,2% và 19,4%.

 Đối thủ cạnh tranh chính của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Australia là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Italia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước ASEAN (Malaysia, Indonesia…)…

Hệ thống các biển quan trọng tại Australia

Australia với đường bờ biển rộng lớn và vị trí chiến lược trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là nơi có một số cảng lớn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia và khu vực. Một số cảng nổi tiếng nhất của Úc bao gồm:

Cảng Sydney: nằm ở bờ biển phía đông của Úc, Cảng Sydney là cảng lớn nhất và bận rộn nhất của đất nước. Đây là trung tâm chính cho thương mại quốc tế và vận chuyển container, cũng như là điểm đến phổ biến cho các chuyến tàu du lịch. (2,8 triêu Teu/năm)

Cảng Melbourne: Nằm ở bờ biển phía nam của Úc, Cảng Melbourne là một trung tâm vận chuyển và thương mại quan trọng khác. Đây là cảng container chính và xử lý nhiều loại hàng hóa, bao gồm hàng hóa sản xuất, sản phẩm nông nghiệp và ô tô. (3,2 triệu Teu/năm)

Cảng Brisbane: Nằm ở bờ biển phía đông của Queensland, Cảng Brisbane là một cảng thương mại và hàng hóa lớn phục vụ nhiều ngành công nghiệp, bao gồm khai thác mỏ, nông nghiệp và sản xuất. Đây cũng là một trung tâm xuất khẩu quan trọng cho các sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản. (1,6 triệu Teu/năm)

Cảng Fremantle: Nằm ở bờ biển phía tây của Úc, Cảng Fremantle đóng vai trò là cửa ngõ vào khu vực Perth và là một trung tâm quan trọng cho hoạt động vận chuyển container, cũng như ngành đánh bắt cá và du lịch. (1 triệu Teu/năm)

Cảng Darwin: Nằm ở phía bắc Úc, Cảng Darwin là một trung tâm hậu cần và vận chuyển quan trọng đóng vai trò là cửa ngõ vào Đông Nam Á. Đây là một trung tâm quan trọng cho hoạt động thương mại quốc tế và vận chuyển các mặt hàng rời, khoáng sản...

Thông thường hàng sẽ từ các cảng Việt Nam đến các cảng transit như Singapore, Port Klang, Các cảng của Đài Loan (Kaohsiung), Các cảng của Trung Quốc (Ningbo, Shekou, Shanghai…) rồi sau đó sẽ lên tàu mẹ để đến các cảng của Úc (Sydney, Melbourne, Brisbane, Adelaide, Fremantle…).

Hệ thống cơ sở của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá qua cảng biển Việt Nam: 7 tháng 2024, tổng sản lượng container xuất nhập khẩu qua các cảng biển cả nước đạt 10,9 triệu Teu, +19,5% so với cùng kỳ 2023; trong đó Khu vực Cái Mép Thị Vải tăng mạnh nhất +32,8%; Khu vực Hải Phòng +21,7%; Khu vực Miền Trung +13,6%; Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh +8,9%.

Đối với hệ thống 07 cảng của Tân cảng, tổng sản lượng container xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 đạt 6,22 triệu Teu, +14,4% so với cùng kỳ 2023, chiếm 55,1% thị phần cả nước. Trong đó, sản lượng Khu vực TP.HCM +11,2%; Khu vực Cái Mép +11,9%; Khu vực Hải Phòng +31,1%.

Với hệ thống cảng và ICD trải dài từ Bắc đến Nam, thị phần của TCT TCSG đang chiếm trên 50% cả nước; TCSG không ngừng nâng cấp trang thiết bị hiện đại và hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến để đáp ứng nhu cầu của các hàng tàu. Trong đó cảng TCCL được xem là cảng đông đAustralia, hiện đại và lớn nhất VN và hệ thống cảng nước sâu đầu tiên và lớn tại cả 2 khu vực Bắc Nam, cửa ngõ phát triển của cả nước điểm tên 2 cảng TCIT và TC-HICT

Ngoài trụ cột khai thác cảng, TCSG còn đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics. Với hệ thống các ICD, depot từ Bắc đến Nam, TCSG đang tập trung phát triển logistics xanh, nâng cao vai trò của vận tải thủy nội địa, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường.

Hợp tác giao dục Việt Nam – Australia:

Australia là một trong những thị trường giáo dục nước ngoài thu hút nhiều sinh viên Việt Nam nhất. Việt Nam hiện đang là thị trường lớn thứ 4 trong lĩnh vực giáo dục quốc tế tại Australia với 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh theo học tại Australia và hơn 8.000 người Việt theo học bằng cấp của Australia tại Việt Nam.

 Đến nay đã có khoảng 17.000 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp RMIT tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, con số này là 3.000 sinh viên. Ngoài ra, Đại học Swinburne - một trong những trường đại học tài trợ cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia rất nổi tiếng tại Việt Nam, rất nhiều quán quân của chương trình này đã chọn Australia, trực tiếp là Bang Victoria để học thạc sĩ, tiến sĩ.

Tính đến nay, có khoảng 50 chương trình liên kết, đào tạo liên thông đang hoạt động, hơn 200 văn kiện hợp tác, nghiên cứu chung giữa các cơ sở đào tạo của hai nước. Hiện nay, trong số hơn 400 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và nước ngoài, có 37 chương trình giữa 21 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 17 đối tác Australia.

Vào tháng 10/2021, hai nước đã ký thỏa thuận bổ sung Chương trình Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam-Australia giai đoạn 2021-2025, trị giá 50,1 triệu AUD. Mỗi năm cũng đều liên tục thực hiện Chương trình Học bổng Chính phủ cho Việt Nam với khoảng 70 học bổng/năm cho các chương trình đào tạo dài hạn (thạc sĩ, tiến sĩ) và ngắn hạn (sau tiến sĩ, phát triển chuyên môn).

Chương trình đào tạo

Sự hợp tác giữa Công ty Phát triển Nguồn Nhân lực Tân Cảng - STC và Chương trình Aus4Skills đã góp phần nâng cao mối quan hệ giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các sáng kiến giáo dục của Úc. Thông qua sự hợp tác này, Tân Cảng STC, với vai trò là thành viên Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics thuộc khuôn khổ chương trình, đã tiếp thu được các phương pháp đào tạo tiên tiến và những thực hành tốt nhất trong ngành logistics. Quan hệ đối tác này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam mà còn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu cho ngành logistics của Việt Nam..

Trong buổi làm việc đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và đoàn Thượng viện Úc đã trao đổi nhiều thông tin quan trọng khác, khẳng định mối quan hệ hợp tác bền chặt và mong muốn tiếp tục đẩy mạnh sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần vào sự thịnh vượng chung của cả hai quốc gia.

Buổi làm việc kết thúc trong không khí hữu nghị, với việc trao tặng quà và chụp hình lưu niệm. Chuyến thăm của đoàn Thượng viện Úc không chỉ mở ra cơ hội hợp tác mới mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trong lĩnh vực khai thác cảng, logistics và phát triển bền vững.

Quốc Khánh - Vietnam Business Forum