09:30:55 | 4/9/2024
Những năm gần đây, Bình Phước ngày càng đạt được nhiều thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nhờ sự năng động, cởi mở và những nỗ lực đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đẩy mạnh khâu đột phá chiến lược về cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh cũng đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động số 55-Ctr/TU ngày 13/3/2024 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị với mục tiêu xây dựng cộng đồng DN trên địa bàn lớn mạnh về mọi mặt. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã có những chia sẻ với Vietnam Business Forum xung quanh nội dung này.
Phát huy kết quả đạt được về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - thu hút đầu tư trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, Bình Phước đang dồn sức nhằm thực hiện cao nhất các mục tiêu đề ra. Bà có thể cho biết rõ hơn nỗ lực trên và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024?
Trong năm bản lề 2023, Bình Phước đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ cùng nhiều giải pháp linh hoạt về cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN, người dân thúc đẩy sản xuất - kinh doanh (SXKD) và đạt kết quả rất đáng khích lệ. GRDP của tỉnh đạt 54.894 tỷ đồng, tăng 8,34% so với năm 2022, xếp thứ Nhất vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 11 cả nước. Đây cũng là năm Bình Phước lần đầu lọt Top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về thu hút vốn FDI với 48 dự án và vốn đăng ký 739,23 triệu USD (đạt 277% kế hoạch năm),… Tỉnh cũng đã đẩy mạnh triển khai, hoàn thành một số công trình trọng điểm, góp phần tạo vóc dáng một Bình Phước mới trên đà vươn lên mạnh mẽ.
Từ kết quả đạt được, bước sang năm tăng tốc, bứt phá 2024, tỉnh đề ra 22 chỉ tiêu phát triển chủ yếu: GRDP tăng 8 - 8,5% so với năm 2023; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8.500 tỷ đồng, tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD, tăng 9%; thu ngân sách 12.739 tỷ đồng, tăng 6,29%; thu hút đầu tư trong nước 7.000 tỷ đồng, tăng 7,7%; thu hút FDI 400 triệu USD; thành lập mới 1.100 DN,… Vượt qua nhiều khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Phước lại ghi thêm những dấu ấn mới: GRDP tăng 7,8%, đứng 02 vùng Đông Nam bộ và thứ 18 cả nước; kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD, tăng 20% và đạt 49% kế hoạch cả năm; vốn đầu tư toàn xã hội 16.376 tỷ đồng, tăng 8,2%, đạt 43% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước 5.355 tỷ đồng, tăng 8%, đạt 42% dự toán HĐND; thu hút 82,5 triệu USD vốn FDI (gồm 11 dự án), đạt 20,6% kế hoạch năm.
Song bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thu hút đầu tư FDI giảm sâu so với cùng kỳ và cả nước, đòi hỏi trong các tháng cuối năm tăng tốc hơn bằng tất cả quyết tâm, quyết liệt trong hành động. Trước hết là tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tích cực triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch đã đề ra; quyết liệt đẩy nhanh vốn đầu tư công; nỗ lực đạt kết quả cao hơn trong thu ngân sách. Hoàn thiện các thủ tục để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm.
Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh CCHC và chuyển đổi số, mở rộng áp dụng dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân và DN; gia tăng tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; chăm lo tốt đời sống người dân, công nhân và chú trọng đào tạo nhân lực. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện tốt các chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh (SXKD),… Tin tưởng với sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và DN, Bình Phước sẽ hoàn thành cao nhất các mục tiêu năm 2024, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, ngày 3/7/2024
Những năm qua, Bình Phước đã vào cuộc mạnh mẽ, hành động quyết liệt nhằm thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng kết quả chưa đạt mong muốn, nhất là Chỉ số PCI của tỉnh còn ở thứ hạng khiêm tốn. Bà đánh giá sao về vấn đề này?
Đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Với sự kiên trì phấn đấu, Bình Phước đã tạo dựng hình ảnh phát triển năng động, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn tối đa. Đặc biệt, công cuộc chuyển đổi số gắn với CCHC đang là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng lãnh đạo, điều hành trên nền tảng số.
Tuy vậy, kết quả các chỉ số điều hành - quản trị của tỉnh, nhất là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm qua còn ở thứ hạng khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố. Điều này một mặt cho thấy những nỗ lực cải cách, sự chuyển biến tích cực của chính quyền chưa được DN tiếp cận và đánh giá một cách đầy đủ. Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng còn nhiều bất cập, rào cản trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ, đồng thời việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh còn không ít hạn chế. Ở góc độ nào đó cũng cho thấy quá trình đổi mới, tốc độ cải cách của Bình Phước còn chậm so với nhiều địa phương trong nước.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã phân tích chỉ ra các mặt tồn tại, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục. Nổi bật, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 24/9/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI. Từ đó hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai như Kế hoạch 346/KH-UBND ngày 22/12/2022 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI năm 2023; Kế hoạch số 366/KH-UBND ngày 14/12/2023 về hỗ trợ DN nhỏ và vừa và thực hiện Chương trình hành động nâng cao Chỉ số PCI năm 2024,…
Các sở, ngành, địa phương cũng đã vào cuộc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời đối với các nhóm chỉ số thành phần. Cụ thể là các nhóm giải pháp tháo gỡ về hành lang pháp lý đầu tư; cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; đổi mới hoạt động thanh - kiểm tra tránh việc trùng lắp hay chồng chéo; ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước; hoàn thiện chính sách thúc đẩy DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh;…
Để tiếp tục đưa Bình Phước là điểm đến đầu tư - kinh doanh thành công của DN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, đặc biệt người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực thi công vụ, xác định rõ bổn phận trách nhiệm. Tỉnh cũng sẽ kiên quyết xử lý trường hợp đùn đẩy, né tránh và hành vi vi phạm trong thực thi công vụ nhằm mục tiêu cao nhất xây dựng hệ thống chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động hết lòng vì lợi ích chung và khát vọng vươn lên của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (2004 - 2024) và chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2024, bà có thông điệp gì gửi đến cộng đồng DN trên địa bàn?
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, đội ngũ doanh nhân Bình Phước đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 11.682 DN với số vốn đăng ký 198.898 tỷ đồng.
Bình Phước luôn xác định đội ngũ doanh nhân là lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự phát triển đi lên của tỉnh. Tại Chương trình hành động số 55 ngày 13/3/2024 triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, Tỉnh ủy Bình Phước xác định: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc;… Mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước có một số DN có thương hiệu, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị làm vai trò đầu tàu trong các ngành, lĩnh vực then chốt, thế mạnh của tỉnh. Đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Bình Phước có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước, có thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong nước, khu vực và quốc tế,…
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, tỉnh hiện đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh; xây dựng chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho DN phát triển và cống hiến; phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển; phát huy vai trò của các hội DN, doanh nhân tỉnh;… Chính quyền tỉnh luôn tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng DN phát triển làm giàu cho chính mình và góp phần đưa Bình Phước vươn tiến mạnh mẽ cùng cả nước.
Trân trọng cảm ơn bà!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI