09:36:54 | 25/9/2024
Mang trong mình niềm tự hào có nghề cha ông truyền lại, người dân làng nghề may áo dài thôn Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhiều thế hệ dù bôn ba khắp các tỉnh, thành phố hay ở trong lũy tre làng, những người thợ tài hoa vẫn luôn giữ tay kim thoăn thoắt tạo nên những chiếc áo dài mềm mại, nhẹ nhàng, đậm văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tự hào hơn khi vào tháng 2/2024 làng nghề may áo dài Trạch Xá đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giữ hồn quê trong tà áo dài
Làng Trạch Xá tên Nôm là Trầm Che, đầu thế kỷ XX thuộc tổng Trầm Lộng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay là thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Ngôi làng này cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km. Trạch Xá nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống, được truyền lại qua nhiều thế hệ. Cư dân làng Trạch Xá di dân ra nhiều địa phương, mang theo nghề truyền thống của mình tạo thành những thương hiệu may áo dài nổi tiếng, tiêu biểu là các hiệu may áo dài lâu năm ở phố Lương Văn Can, Hà Nội.
Một điểm độc đáo ở làng nghề Trạch Xá là số đàn ông theo nghề may nhiều hơn phụ nữ do truyền thống từ xa xưa người phụ nữ chỉ được phụ việc cho nam giới. Đến nay, khi xã hội thay đổi quan niệm, người phụ nữ đã được bình đẳng làm nghề như nam giới. Hiện cả làng Trạch Xá khoảng 300 hộ gia đình làm nghề, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động; giá trị sản xuất trung bình hàng năm đạt 7 tỷ đồng.
Nghệ nhân Nghiêm Xuân Đạt – Giám đốc Hợp tác xã làng nghề may áo dài Trạch Xá cho biết, xưa các cụ cũng có tục truyền bí quyết nghề cho con trai mà không truyền cho con gái. Bởi lẽ, trước đây công việc này đòi hỏi người làm nghề phải đi lại nhiều, đi đến từng nhà cắt may theo yêu cầu. Nghề đòi hỏi chăm chỉ, chịu khó lại cẩn thận từng đường kim mũi chỉ sao cho thẳng, đều, chắc chắn và đẹp theo tiêu chuẩn “trong thì dán hồ, ngoài phô trứng nhện”. Vì vậy, người thợ may Trạch Xá có bí quyết riêng không dễ gì học được.Ngày nay, nhiều người con gái làng Trạch Xá đã được truyền nghề và phát triển nghề rất tốt như: Hiệu may Mỹ Hạnh ở Ngã Tư Sở; Thanh Châu ở Mai Hắc Đế… Còn đối với con trai trong làng, sinh ra đã được truyền nghề từ thuở lên 6 lên 7 tuổi và được luyện rèn theo năm tháng.
Nghệ nhân Lê Văn Thùy, một người có nhiều kinh nghiệm lâu năm trong nghề may áo dài tại Trạch Xá cho biết, dù trải qua bao thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Người làng Trạch Xá vẫn trung thành với áo dài cổ ngũ thân hay còn gọi là áo dài 5 tà. Điểm đặc trưng của kỹ thuật may áo dài làng Trạch Xá là khâu tay dọc, trong khi hầu hết nơi khác là khâu tay ngang. Kỹ thuật may tay dọc có điểm tì kim khỏe và tạo nên tốc độ đưa mũi kim may nhanh, đều và đẹp mắt.
“Kỹ thuật khâu kim tay dọc giúp cho người thợ giấu được các đường kim, mũi chỉ ở dưới bên trong đường khâu khác với khâu kim tay ngang thường bị lộ mũi chỉ ở phía bên trong của vạt áo. Với kỹ thuật này, người Trạch Xá đã khâu giấu hoàn toàn đường kim mũi chỉ vào phía bên trong”, anh Lê Văn Thùy chia sẻ.
Trong làng, có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân. Sản phẩm may mặc của làng Trạch Xá đã tham dự nhiều hội chợ làng nghề của Hà Nội. Hiện, Trạch Xá không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là địa điểm văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Gìn giữ và phát triển
Làng Trạch Xá hôm nay đã đổi thay nhiều, những cửa hàng, cửa hiệu may áo dài xuất hiện trên đường làng, những ngôi nhà khang trang, đời sống người dân thêm trù phú. Ông Nghiêm Văn Miến, Trưởng thôn Trạch Xá cho biết, hiện nay đang là thời kỳ phát triển mạnh của nghề may áo dài Trạch Xá. Toàn thôn có 520 hộ dân thì có tới 80% tham gia làm nghề, trong đó có 200 hộ mở cửa hàng, cửa hiệu có quy mô và đơn đặt hàng khá lớn. Điều đặc biệt làm nên thương hiệu làng nghề Trạch Xá chính là nơi đây vẫn còn giữ nguyên nét truyền thống khâu tay với kỹ thuật đặc biệt. Từng chiếc áo dài được lên hình là từng số đo riêng vừa vặn với mỗi người chứ không phải may đại trà. Nay, thanh niên trong làng cũng theo nghề và tích cực mở rộng, phát triển nghề.
Làng may Trạch Xá trải qua bao khó khăn nhưng hiện nay vẫn có những thế hệ đang tiếp tục nối dài nghề truyền thống. Hiện cả làng có khoảng 540 hộ và có đến 90% làm thợ may. Trò chuyện với bà Nghiêm Thị Mùi, người phụ nữ về làm dâu ở làng Trạch Xá, chồng bà sinh ra ở làng nhưng không theo được nghề bởi bệnh tật, nhưng nhà bà hiện nay có 3 đứa con theo nghề của làng. “Từ hồi lên 10 tuổi, các con tôi đã theo học một thầy giỏi nghề trong làng. Cứ mỗi lần đi học về là chúng lại cầm kéo, cầm thước, cầm kim.
Nét khác biệt làm nên thương hiệu Trạch Xá, không nơi nào có được là tà áo lúc nào cũng mềm mại, thướt tha. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất chăm chút khi đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”; dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng, khâu đường tà thật đều và đường chỉ nhỏ xíu, sợi chỉ được lựa chọn loại tốt, nhỏ, mịn và đắt nên chắc chắn.
Theo Ông Nguyễn Văn Chí – Chi cục trương Chi cục PTNT Hà Nội: mỗi làng nghề trên địa bàn Thủ đô lại mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, in đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Làng nghề truyền thống Trạch Xá, huyện Ứng Hòa nổi tiếng với nghề may áo dài, là địa điểm có tiềm năng phát triển mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Mô hình khi được công nhận sẽ hứa hẹn nơi hội tụ các nhà thiết kế, các nghệ nhân làng nghề để quảng bá, giới thiệu, trình diễn cũng như sáng tạo những sản phẩm mang đặc trưng làng nghề như áo dài, cổ phục…Việc tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách là hết sức quan trọng.
Bảo Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI