Ngành Tài nguyên và Môi trường Thái Bình: Góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

14:40:33 | 23/9/2024

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường cải cách hành chính; tháo gỡ các điểm nghẽn về tiếp cận đất đai,… là những giải pháp trọng tâm đang được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Bình tích cực triển khai. Thông qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thúc đẩy thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình 

Thực hiện tốt công tác quản lý TN&MT

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình cho biết: Thời gian qua, Sở luôn chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Hàng năm, Sở chủ động rà soát, tham mưu ban hành kịp thời cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực TN&MT; thường xuyên tổ chức các hội nghị triển khai, phổ biến chính sách, pháp luật về các lĩnh vực của ngành. 6 tháng đầu năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 04 văn bản quy phạm pháp luật; duy trì hoạt động và đăng tải kịp thời các hoạt động, văn bản chính sách trên Cổng thông tin điện tử của Sở. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành.

Trong lĩnh vực quản lý đất đai, Sở đã hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Vũ Thư; thành phố Thái Bình; huyện Tiền Hải; huyện Quỳnh Phụ và huyện Kiến Xương. Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ TN&MT đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và đơn vị tư vấn rà soát Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) tỉnh Thái Bình; điều chỉnh, bổ sung quy mô, địa điểm, số lượng dự án trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các huyện: Thái Thụy, Kiến Xương.

Thẩm định, trình UBND tỉnh 102 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất. Đến nay, UBND tỉnh đã ký 94 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, điều chỉnh, gia hạn sử dụng đất, gia hạn tiến độ sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích 145,81ha; 596 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 158,72ha.

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thành phố rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư để hạn chế vướng mắc phát sinh khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành. Tham gia ý kiến khung chính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án: Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Dự án phát triển thủy sản bền vững tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vay vốn WB;… Trình UBND tỉnh ban hành Dự thảo Quyết định về các yếu tố khác hình thành doanh thu phát triển và chi phí phát triển khi sử dụng phương pháp thặng dư để xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh.


Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra tiến độ cầu sông Hồng, thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình

Trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và viễn thám, đã thẩm định 120 bản vẽ trích lục bản đồ địa chính, trích đo địa chính phục vụ công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thẩm định 17 dự toán kinh phí chỉnh lý trích lục bản đồ địa chính sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, tham mưu UBND tỉnh ban hành 16 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác bảo vệ môi trường. Sở đã ban hành 771 văn bản thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường; tổ chức 23 Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình UBND tỉnh đề nghị phê duyệt 20 hồ sơ; tổ chức thẩm định 26 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường; trình UBND tỉnh đề nghị cấp Giấy phép môi trường 30 hồ sơ, cấp điều chỉnh 02 hồ sơ; thông báo phí nước thải công nghiệp đối với 94 cơ sở. Tham gia Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường của Bộ TN&MT; hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản theo quy hoạch tiếp tục được quan tâm; quản lý tài nguyên nước có chuyển biến tích cực.

“Bảo Hưng đứng trong top đầu của tỉnh Thái Bình về đảm bảo tốt vệ sinh môi trường, với tỷ lệ cây xanh chiếm tới hơn 1/3 tổng diện tích nhà máy (10ha) và có nhà máy xử lý nước thải riêng. Dây chuyền sản xuất bánh kẹo của Bảo Hưng hiện đại, đồng bộ tự động hóa 100% nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ; đồng thời áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO22000:2005; ISO14001:2015, HALAL,…

Hơn nữa, Bảo Hưng đang xây dựng Đề án “Phát triển điện năng lượng mặt trời” có  công suất 2,96 MW trên toàn bộ mái nhà xưởng (trên 50.000m2) trình xin tỉnh cấp phép. Khi hoàn tất, kết hợp với hệ thống cây xanh, Bảo Hưng sẽ có nguồn “tín chỉ carbon” dự trữ khá lớn hữu ích để phát triển bền vững.    

Góp phần cải thiện môi trường đầu tư

Không chỉ làm tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT, ngành còn đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư Thái Bình những năm gần đây có phần đóng góp không nhỏ của ngành TN&MT.

Theo đó, Sở thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung và cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) không phù hợp, đơn giản hóa TTHC. Cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, danh mục, quy trình nội bộ giải quyết TTHC trên trang thông tin điện tử của Sở để người dân, doanh nghiệp cũng như đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thực hiện.

6 tháng đầu năm 2024, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, đã tiếp nhận trong kỳ báo cáo 889 hồ sơ (trực tuyến: 659 hồ sơ; trực tiếp: 230 hồ sơ); trong đó, đã giải quyết 798 hồ sơ, đang giải quyết 91 hồ sơ, có 05 hồ sơ quá hạn. Đã có 175 lượt đánh giá của người dân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thái Bình, tỷ lệ rất hài lòng đạt 97,71%, tỷ lệ hài lòng đạt 1,71% và tỷ lệ không hài lòng là 0,57%.

Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; triển khai tích hợp các TTHC đất đai trực tuyến một phần và toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh nhằm tiết kiệm thời gian đi lại của người dân. Đã xây dựng các cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực: Tài nguyên nước; địa chất khoáng sản; môi trường; giao đất, cho thuê đất; kho tư liệu TN&MT.

Đặc biệt, là một trong 10 chỉ số thành phần quan trọng của PCI, Chỉ số Tiếp cận đất đai do Sở TN&MT phụ trách năm 2022, 2023 liên tiếp tăng thứ hạng và giá trị. Năm 2023 đạt 7,19 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh thành phố; tăng 24 bậc, 0,25 điểm so với năm 2022. Ngoài ra, trong Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), Thái Bình xếp thứ 20/63 tỉnh thành phố; có 1/4 chỉ số tăng điểm, tăng thứ hạng, là: (CSTP1) Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp). Có 1/4 chỉ số tăng điểm, giảm thứ hạng, là: (CSTP4) Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Để nâng cao Chỉ số Tiếp cận đất đai, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đất đai với nhiều hình thức phong phú, thích hợp. Quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh thời gian, bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư.

Công bố công khai thông tin về quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm trên Cổng thông tin của Sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và chủ sử dụng đất tiếp cận thông tin đất đai một cách dễ dàng, thuận lợi.

Thời gian tới, ngành TN&MT tỉnh sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền liên quan đến đất đai để thống nhất và tháo gỡ các nội dung còn bất cập. Hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn để phân bổ, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên.

Song song với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tăng cường quản lý; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Từ đó, khơi thông các nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế.

Trung tâm Quan trắc TN&MT Thái Bình là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở TN&MT tỉnh, có nhiệm vụ tham mưu giúp Giám đốc Sở quan trắc diễn biến môi trường, biển đảo, khí hậu, đa dạng sinh học; khảo sát, thu thập số liệu, điều tra cơ bản về tài nguyên đất, nước, khoáng sản, biển. Đồng thời, phối hợp thực hiện công tác quan trắc môi trường phục vụ nhiệm vụ đột xuất; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu.

Trung tâm còn có chức năng cung cấp các dịch vụ công về quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, như: Thực hiện các loại dịch vụ về báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường các loại; Quan trắc môi trường định kỳ hàng năm cho doanh nghiệp;… giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Trung tâm đã được Bộ TN&MT cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường số 45/GCN-BTNMT (VIMCERTS 016); Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá Phòng thí nghiệm duy trì, thực hiện theo tiêu chuẩn ISO/17025:2017 (VLAS568).

Quá trình thực hiện hoạt động nghiệp vụ, đơn vị tuân thủ thực hiện nghiêm ngặt theo quy định. Trung tâm đã được trang bị các phòng thí nghiệm hóa lý, vi sinh với những máy phân tích chuyên sâu (AAS, GC, IC, Uvvis,...) với đội ngũ cán bộ có chuyên môn về quan trắc, phân tích môi trường và hoạt động nghiệp vụ môi trường, về cơ bản đáp ứng các yêu cầu của quan trắc TN&MT. Qua đó, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của tỉnh và là địa chỉ tin cậy cho các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp liên hệ thực hiện các thủ tục về môi trường trên địa bàn.

Thành Công  (Vietnam Business Forum)