14:59:34 | 23/9/2024
Không chỉ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Thái Bình còn tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai chủ động, hiệu quả các giải pháp đầu tư tín dụng, cung ứng dịch vụ ngân hàng phục vụ doanh nghiệp và người dân, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng hiệu quả nguồn vốn, đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng số
Ông Phạm Bá Yêm, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh cho biết: Đến cuối tháng 6/2024, ngoài NHNN chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, có 28 chi nhánh ngân hàng, 85 quỹ tín dụng nhân dân và 01 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô hoạt động. Các TCTD thành lập 08 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 95 phòng giao dịch, 44 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 60 xã với 61 phòng giao dịch và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu dịch vụ, tiện ích cho nền kinh tế và nhân dân.
Ông Phạm Bá Yêm, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình
NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các TCTD triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân khúc khách hàng và thị trường. Đồng thời, tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp cụ thể, kịp thời, linh hoạt cho người dân, doanh nghiệp.
Với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 98.557 tỷ đồng, tăng 4,71% so với 31/12/2023; tỷ lệ nợ xấu nội bảng chiếm 0,79% tổng dư nợ cho vay của các TCTD (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Thái Bình).
Cơ cấu tín dụng được duy trì hợp lý, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể: Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 35.691 tỷ đồng, tăng 5,4% so với 31/12/2023, chiếm 36,2% tổng dư nợ cho vay của các TCTD với gần 104 ngàn khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay các chương trình nước sạch nông thôn đạt 1.645 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Dư nợ tín dụng chính sách (cho vay người nghèo, cận nghèo,...) đạt 4.489 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng dư nợ cho vay.
6 tháng đầu năm 2024 cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số trong ngành Ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại như QR code, thanh toán không tiếp xúc, Internet banking, Mobile banking,... mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng. Doanh số thanh toán qua ngân hàng 6 tháng đầu năm đạt 945 ngàn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023; riêng thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 81%.
Tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Không chỉ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng Thái Bình còn chú trọng triển khai các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngành đã chủ động truyền thông về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ, lãi suất cho vay…; đẩy mạnh triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ…; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN;…
Kết quả, đến 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 14 khách hàng được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 và Thông tư số 03, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 650 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ gần 2,6 tỷ đồng; 110 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02, tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 350 tỷ đồng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 220 tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 36/2022/NQ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các văn bản hướng dẫn của Hội sở chính, Chi nhánh NHCSXH đã thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại đơn vị có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ 01/01/2022 đến 31/10/2023 (thời điểm kết thúc hỗ trợ lãi suất) là 35,3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 126.735 tỷ đồng, tăng 3% so với ngày 31/12/2023. Trong đó: Tiền gửi của các tổ chức kinh tế chiếm 6,2%, tiền gửi dân cư chiếm 93,8%; tiền gửi dưới 12 tháng chiếm 61,6%; tiền gửi bằng VND chiếm 98,8% tổng nguồn vốn huy động. |
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng. Thường xuyên nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực thế mạnh, các dự án kinh tế trọng điểm, ưu tiên để kịp thời tham mưu chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ chỉ đạo TCTD.
Theo dõi sát tăng trưởng tín dụng của các TCTD; truyền thông sâu rộng các cơ chế, chính sách và kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo giao dịch tiền mặt thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giá trị và cơ cấu mệnh giá tiền của các TCTD, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn.
Song song với đó, tăng cường kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đảm bảo an toàn, tiện ích. Cải tiến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.
Hà Thành (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI