Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

14:13:34 | 27/9/2024

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 21/9 đến 25/9 (giờ địa phương). Với khoảng 40 hoạt động quan trọng, chuyến công tác của Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã lan tỏa thông điệp về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, chú trọng phát triển bền vững và hướng tới tương lai.

Đây là chuyến công tác tham dự hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Hoa Kỳ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trên cương vị mới và cũng là lần đầu tiên một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam tham dự trực tiếp các phiên họp cấp cao tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Vì một tương lại tốt đẹp hơn

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 diễn ra trong bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt khi Liên Hợp Quốc và Việt Nam cùng hướng tới 80 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh và 80 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hướng tới một tương lai và đường lối phát triển mới cho Liên Hợp Quốc và thế giới.

Trong bối cảnh đó, Liên Hợp Quốc tiến hành tổ chức một chuỗi sự kiện trong Tuần lễ Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 mà tâm điểm là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai với chủ đề "Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn" và Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với chủ đề bao trùm là "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hôm nay và mai sau" nhằm kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và củng cố chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên Hợp Quốc có vị trí trung tâm nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung, đặc biệt là các Mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất. Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, các quốc gia càng cần phải tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm, phải chia sẻ thành tựu chung trong nghiên cứu khoa học công nghệ để cùng phát triển. Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, cần phải đi đầu với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức toàn cầu và tận dụng những cơ hội có được từ tiến bộ khoa học công nghệ.

Phát biểu tại phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khoá 79 với sự tham dự của 155 người đứng đầu nhà nước và chính phủ của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại. Hoà bình, hợp tác, phát triển tuy là xu thế lớn, song đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới, nghiêm trọng hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc, mở rộng về phạm vi không gian, gia tăng cường độ và tính đối đầu; mâu thuẫn, xung đột chính trị tăng nhanh…

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững hơn cho mọi người dân: Thứ nhất, hoà bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng, cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc ở tất cả các quốc gia. Không ngừng củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia, đề cao đối thoại, loại bỏ đối đầu…

Thứ hai, đảm bảo sự phát triển bình đẳng của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi con người trong điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển phù hợp với nhu cầu của mỗi quốc gia…

Thứ ba, sớm thiết lập những khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh với tầm nhìn dài hạn về khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, đảm bảo thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, thụ hưởng những thành tựu tích cực; đồng thời chủ động ngăn chặn, đẩy lùi những hiểm hoạ đối với hoà bình, phát triển bền vững và nhân loại…

Thứ tư, có tư duy mới kiến tạo tương lai mang tính chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi quản trị toàn cầu.

Thứ năm, đặt con người ở vị trí trung tâm chủ thể để hiện thực hoá các tầm nhìn. Lấy người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách và hành động ở tất cả các cấp độ. Đầu tư và phát triển toàn diện thế hệ trẻ về tri thức, văn hoá trên cơ sở các giá trị chung và tinh thần trách nhiệm, cống hiến…

Thúc đẩy hợp tác và đầu tư giữa các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ với Việt Nam

Chuyến công tác làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hoa Kỳ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 2025. Đây là dịp quan trọng để hai bên cùng nhìn lại những thành tựu mà khuôn khổ quan hệ mới mang lại, đồng thời thảo luận về những định hướng và biện pháp lớn để tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực, ổn định, thực chất của quan hệ trong nhiều năm tới. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có các cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với lãnh đạo Chính quyền Hoa Kỳ, tham dự và phát biểu tại sự kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, cũng như các cuộc tiếp xúc, làm việc với sự tham gia của các quan chức, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả hàng đầu của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Tổng thống Biden khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng” và sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, để quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam tiếp tục là hình mẫu cho sự hàn gắn và hợp tác kiến tạo tương lai.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực đạt được sau một năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, phù hợp với mong muốn và lợi ích của cả hai bên, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.

Để tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, hiệu quả của khuôn khổ quan hệ mới và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2025, hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023.

Trong dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có buổi tiếp các tập đoàn công nghệ và quỹ đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ như cựu Giám đốc điều hành (CEO) Google Eric Schmidt, cùng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, cũng như quỹ đầu tư/ doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới, gồm các tập đoàn Apple, Meta, Super Micro và 2 quỹ đầu tư Blackstone, Warbug Pincus; tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng, vệ tinh vũ trụ và công nghệ gồm AES, Pacifico Energy, SpaceX và Google….

Các tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế của Việt Nam, nhất là cam kết về việc tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về thể chế, giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ về những cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và bày tỏ hy vọng sớm được đầu tư vào Việt Nam, đồng thời tin tưởng về hiệu quả kinh tế đạt được; đồng thời cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam để duy trì, bảo đảm cam kết về phát triển bền vững trên địa bàn và mong muốn được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các hoạt động đầu tư thuận lợi, hợp tác lâu dài.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng tiềm năng hợp tác của hai nước vẫn còn nhiều dư địa, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nội lực của mỗi quốc gia và động lực đem lại từ mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan của hai nước tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện song phương, và hy vọng các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ nghiên cứu, mở rộng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; phát triển ngành công nghiệp chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT); năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tài chính, trung tâm tài chính; công nghệ sinh học, y tế…

Tại buổi tọa đàm doanh nghiệp do Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng doanh nghiệp vì sự hiểu biết chung (BCIU) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chứng kiến lễ trao các văn kiện được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ bao gồm: Thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi năng lượng và nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Công ty Kellogg Brown & Root; Biên bản ghi nhớ về nghiên cứu, cung cấp giải pháp phần mềm trong ngành điện và dầu khí giữa PVN và Tập đoàn GE; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khí hoá lỏng (LNG) giữa Công ty cổ phần Kỹ thuật Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Công ty Excelerate Energy; Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực Al, bán dẫn và xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam giữa Tập đoàn Sovico và Tập đoàn SuperMicro; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng không giữa Vietjet Air và Công ty Honeywell; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sản xuất khí tự nhiên giữa Wealth Power Group Vietnam và đại diện Công ty Eternal Natural Resources.

Theo thống kê, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023 đạt hơn 110 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp vượt mức 100 tỷ USD, qua đó củng cố vị thế của Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Về đầu tư, Hoa Kỳ tiếp tục là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam, với hầu hết các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đều đã hiện diện và đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam, trong khi, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ.

Đặc biệt, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau một năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (10/9/2023-10/9/2024), hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hợp tác chiến lược giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được đẩy mạnh; các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn diễn ra sôi động ở tất cả các kênh, các cấp. Lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là xung lực quan trọng cho quan hệ hai nước. Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 88 tỷ USD, tăng 22%.  

Anh Mai (Vietnam Business Forum)