DATC: Miệt mài sứ mệnh “giải cứu” doanh nghiệp

09:23:56 | 1/10/2024

“Phao cứu sinh” của doanh nghiệp (DN), “bà đỡ” của doanh nghiệp đều là những danh xưng ví von mà cộng đồng DN dành cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Ra đời từ năm 2003, khi khái niệm mua bán nợ tại Việt Nam vẫn còn mới lạ với người dân và DN, DATC được đánh giá là DN mạo hiểm bước vào ngành nghề kinh doanh lĩnh vực rủi ro - nợ và tài sản tồn đọng. Hơn 20 năm chủ động “nhận khó” về mình, đến nay, DATC đã từng bước khẳng định vị thế đi đầu trong hoạt động xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính DN.

Khẳng định sức bền trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN

 DATC được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 05/6/2003, với vốn điều lệ 2000 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước (NN) cấp, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004 và được công nhận Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hạng đặc biệt. Sự ra đời của DATC lúc bấy giờ nhằm triển khai những nội dung quan trọng của quá trình đổi mới nền kinh tế nói chung, đổi mới quản lý các DNNN, quan hệ giữa NN với DN nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình nợ xấu của các DNNN ngày càng tăng, việc thành lập DATC là việc làm chính xác và cấp thiết.


Đoàn công tác DATC do Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Thường dẫn đầu tham dự  Hội thảo quốc tế IPAF năm 2024 tại Hàng Châu, Trung Quốc

Những ngày đầu của một DN hoạt động trong lĩnh vực còn mới lạ tại Việt Nam, những người làm công tác xử lý, mua bán nợ không tránh khỏi những khó khăn và áp lực vì rõ ràng xử lý nợ là một nhiệm vụ “ đặc biệt khó khăn”, không DN nào muốn đối mặt với tình cảnh này. Phải làm sao để DATC không phải là kho chứa nợ xấu mà là người thực hiện bước cuối cùng xử lý nợ xấu? Chia sẻ rủi ro với các bên ra sao? Đồng thời chăm lo cả giải pháp ngọn lẫn giải pháp gốc của nợ như thế nào? Và cuối cùng, để DATC trở thành hình mẫu trong mua, bán và xử lý nợ, có ảnh hưởng lớn, xứng tầm với vị trí chiến lược của công ty trong nền kinh tế, là những điều mà người DATC vẫn luôn trăn trở. Họ đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp để xây dựng từng bước đi vững chắc, gây dựng niềm tin với khách hàng và tín nhiệm đối với các nhà đầu tư.

Hơn 20 năm qua, DATC đã từng bước lớn mạnh cả về quy mô, vốn, doanh thu, hiệu quả hoạt động. Trong đó, không thể không nhắc tới dấu ấn lãnh đạo, phương thức điều hành, quản lý của các thế hệ lãnh đạo công ty đều là những cán bộ kì cựu, tài năng, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm của ngành Tài chính. Nếu như nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Đình Soạn, hay nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Phan Quang được biết đến là những người đặt những viên gạch vững chắc đầu tiên cho con đường đi của DATC thì nguyên Tổng Giám đốc Phạm Thanh Quang là người đặt dấu ấn mở đường cho hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN. Hay có những cán bộ đã gắn bó một phần cuộc đời cho DATC như bà Nguyễn Thị Luyện - nguyên Trưởng phòng Tiếp nhận Xử lý nợ & tài sản. Tiếp nhận DATC khi nền kinh tế đối mặt với nhiều biến động, chủ tịch HĐTV đương nhiệm Lê Hoàng Hải được cho là người ấp ủ nhiều quyết sách, định hướng tương lai cho DATC. Và gần đây nhất, cán bộ, người lao động DATC nhắc nhiều tới văn hóa “dấn thân” và các hoạt động xã hội do Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thường khởi xướng.


DATC phối hợp cùng Văn phòng Bộ Tài chính tới thăm và tổ chức trao tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Văn Hiến tại xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

 Linh hoạt áp dụng các phương án mua nợ, DATC đã giúp cho rất nhiều DN “ốm yếu”, đang trong giai đoạn “trọng bệnh” phục hồi sức khỏe, có những DN hồi sinh mạnh mẽ, như: Đường Kon Tum (KTS), Mía đường Sơn La (SLS), Sadico Cần Thơ (SDG), Vitaly (VTA), Vinalines, …

Những đột phá trong công tác thị trường cũng giúp DATC chuyển từ thế bị động sang chủ động. Mạnh dạn đổi mới từ cách tiếp cận các TCTD đến việc tổ chức một đầu mối để phối hợp, tiếp nhận với các TCTD, đến nay DATC có số lượng lớn danh mục các khoản nợ tại nhiều NH như MBBank, ABBank, HDbank, MSB, VIB, Agribank,...

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ, tạo ra mối liên kết hỗ trợ chặt chẽ giữa các công ty quản lý tài sản công trong khu vực và quốc tế, đồng hành đối phó với khủng hoảng tài chính và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu DN, DATC tham gia diễn đàn quốc IPAF với tư cách thành viên sáng lập từ năm 2013. Thông qua 2 lần đảm nhiệm vai trò đơn vị chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên IPAF  lần thứ 4  (năm 2018) với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính Châu Á và giải pháp thực hiện”, và Hội thảo đào tạo lần thứ 6 ( năm 2019) với nội dung “Khuôn khổ hoạt động và pháp lý trong hoạt động mua bán, xử lý nợ nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực”, đóng góp của DATC liên tục được đánh giá cao.

Thêm động lực mới cho DATC

“ Khi bạn khó, có DATC ”, đó là slogan nhất quán trong mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động DATC nhiều năm nay. Ban lãnh đạo chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì sự ghi nhận, đánh giá cao của Chính phủ, cộng đồng DN dành cho DATC về hiệu quả hoạt động. Hiệu quả ở đây không chỉ thể hiện qua nguồn lợi nhuận tăng trưởng mà quan trọng hơn là hiệu quả gián tiếp mang lại cho các DN đang tìm lối thoát khỏi khăn tài chính trong SXKD thông qua hoạt động mua, bán xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp”- chủ tịch Lê Hoàng Hải nhấn mạnh.

 “Thực trạng nền kinh tế vừa qua với những biến động khó lường từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, lạm phát, đến lãi suất ngân hàng, tình hình chính trị thế giới,… trong bối cảnh đó, nhiều DN gặp khó khăn. Nếu không có công ty nào tham gia vào việc mua các khoản nợ thì các DN sẽ lâm vào cảnh SXKD cầm chừng, thu hẹp, thậm chí chờ phá sản. Vẫn biết, không có nền kinh tế nào không có nợ xấu, chúng ta không kỳ vọng xóa bỏ được hết nợ xấu nhưng cần nỗ lực để chỉ số nợ xấu thấp nhất. Nợ xấu có thể kéo dài nhiều năm nhưng đến DATC cần là chặng cuối xử lý” - Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thường khẳng định.

Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách để khuyến khích ban đầu, tuy nhiên nếu so sánh với thông lệ quốc tế thì thị trường mua bán nợ Việt Nam còn khiêm tốn về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Xử lý nợ có yếu tố đặc thù là tính đơn chiếc, phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường, khả năng hợp tác của DN khách nợ, đặc biệt là các NHTM. Điều này phản ánh phần nào khó khăn của DATC trong việc nâng cao quy mô hoạt động do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhu cầu xử lý nợ của các NHTM. Thêm nữa, hiện nay các phương án mua bán nợ thường có giá trị lớn, độ phức tạp cao, lại càng đặt ra cho cho DATC thách thức về đổi mới, sáng tạo nhằm phù hợp với tình hình mới. 

Vậy nên sự đồng hành, ủng hộ của Bộ Tài chính, NHNN, các đơn vị có liên quan là yếu tố hết sức cần thiết để DATC phát huy tối đa vai trò của mình. Cụ thể trong vấn đề như:

 Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 129/2020/NĐ-CP về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động giai đoạn tới

 Hỗ trợ DATC, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán nợ của DATC tại Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (thay thế Luật số 69/2014/QH13) về tháo gỡ cơ chế thoái vốn, cơ chế bổ sung vốn điều lệ cho DATC và luật hóa hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp.

Đây sẽ là những liều thuốc “tăng lực” quý giá, là nền tảng vững chắc để tập thể DATC tiếp tục cống hiến hết mình trên hành trình tới.

Trong vai trò là tổ chức kinh doanh, tăng trưởng doanh thu của công ty đã bước từ ngưỡng vài trăm tỷ lên hàng nghìn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu công ty ghi nhận con số ấn tượng, ước thực hiện 1.858,8 tỷ đồng (khoảng 324% so với cùng kỳ năm 2023). Lũy kế từ năm 2004 đến ngày 31/12/2023, DATC đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ của 2.726 DN với giá trị tiếp nhận 6.287 tỷ đồng.

Bảo Ngọc (Vietnam Business Forum)