Tây Ninh - Điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, thân thiện và hiệu quả

10:15:29 | 19/11/2024

Những năm gần đây, tỉnh Tây Ninh đã vươn lên, gặt hái nhiều thành quả ấn tượng trong thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiều Công Minh cho biết: Để có được thành công này, tỉnh luôn chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện các dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thực sự là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư.


Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiều Công Minh

Xem thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh, những năm qua, Tây Ninh đã quan tâm, đồng hành hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ra sao, thưa ông?

Thời gian qua, tỉnh chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, đồng bộ, công khai, minh bạch, qua đó tạo môi trường đầu tư thông thoáng, là điểm đến tin cậy để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Chủ động rà soát, đơn giản hóa các TTHC, đặc biệt là các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường;… Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, góp phần giảm thiểu thời gian cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các TTHC.

Bên cạnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp và Chương trình cà phê doanh nhân định kỳ, UBND tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; xác định rõ đầu mối, rõ trách nhiệm của sở, ngành, địa phương trong hướng dẫn, triển khai các chính sách tới doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng được giao nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; đồng hành hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý, nhanh chóng triển khai dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những nỗ lực của các cấp chính quyền Tây Ninh trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. Lũy kế đến hết tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh có 708 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 135.941 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh cấp mới cho 27 dự án với số vốn đầu tư 147 triệu USD; 17 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 147 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 384 dự án đầu tư ngoài nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 9.955 triệu USD.

Năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tây Ninh tăng 35 bậc so với năm 2022. Chia sẻ cụ thể của ông về thành công này? Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh cần làm gì để tiếp tục cải thiện Chỉ số PCI, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp?

Nhờ nỗ lực và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chỉ số PCI 2023 của Tây Ninh được cải thiện rõ rệt, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 35 bậc so với năm 2022 và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Hầu hết điểm số các chỉ số thành phần đều tăng so với năm 2022, nổi bật như: Chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động,…

Có thể thấy chỉ số cạnh tranh của địa phương không chỉ phụ thuộc vào chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp tại địa phương. Chính vì vậy, để nâng cao Chỉ số PCI, thời gian tới, tỉnh sẽ dành ưu tiên thực hiện tốt cải cách TTHC; đơn giản hóa, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian TTHC, nâng cao hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, thống nhất trong quản lý điều hành giữa các cấp (tỉnh, huyện). Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng năng động, minh bạch, xây dựng bộ máy công vụ hiệu lực, hiệu quả; nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, tận tình, tận tâm trong công việc.

Song song với đó, tỉnh cũng sẽ có các chính sách đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn; tăng cường đối thoại, tương tác trực tiếp qua website và mô hình đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. Tiếp tục phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) năm 2024; hướng đến cải thiện liên tục môi trường kinh doanh, có cơ chế tiếp nhận và phản hồi thông tin hiệu quả.


Hội nghị Đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp tháng 8/2024

Tây Ninh đã và đang khẳng định vị thế là điểm sáng mới trên bản đồ đầu tư cả nước. Để gia tăng sức hút đầu tư hiện tại cũng như đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong tương lai, theo ông Tây Ninh cần có sự đổi mới, cải thiện mạnh mẽ trên những lĩnh vực cụ thể nào?

Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Tây Ninh tập trung thực hiện 07 đột phá chiến lược gồm: Phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh, đồng thời hoàn thành đúng tiến độ các quy hoạch xây dựng - nhất là quy hoạch về đô thị, quy hoạch về công nghiệp, quy hoạch về khu kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ, thực hiện giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định,…

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tập trung thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; tăng cường kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước. Tiếp tục phát huy tinh thần sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai thực hiện thuận lợi các dự án trên địa bàn.

Với những tiềm năng, thế mạnh về quỹ đất, vị trí chiến lược kết nối vùng, hạ tầng phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch,… và đặc biệt là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng phát triển rõ ràng, tỉnh Tây Ninh sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực thế mạnh, phù hợp với quy hoạch. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với các trụ cột phát triển là công nghiệp, đô thị, dịch vụ logistics để phát triển Khu kinh tế Mộc Bài trở thành khu kinh tế cửa khẩu tiêu biểu, phát triển năng động, hiệu quả của vùng và quốc gia.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang gấp rút triển khai dự án Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài; nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi dự án sân bay Tây Ninh; xây dựng các tuyến đường liên tỉnh kết nối khu vực; quy hoạch mới, mở rộng các khu công nghiệp,… Đây được xem là những tiềm năng lợi thế đặc thù của Tây Ninh, mở ra cơ hội đầu tư mới mang tính kết nối, lan tỏa vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, để Tây Ninh luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, thân thiện và hiệu quả của các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Công Luận (Vietnam Business Forum)