Gia Lâm nỗ lực hoàn thành nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

09:28:47 | 13/11/2024

Với mục tiêu xây dựng Nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu thiết thực hơn, hiệu quả bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, hướng đến nông thôn mới văn minh và hiện đại,... huyện Gia Lâm đã hoàn thiện hồ sơ trình các cấp công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.


Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Bát Tràng, Gia Lâm

Gia Lâm đã hoàn thành 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, với 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gồm Cổ Bi, Phù Đổng, Dương Xá, Bát Tràng, và Ninh Hiệp. Huyện đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt đối với 3 xã Yên Thường, Văn Đức và Đa Tốn trong năm 2024. Đồng thời, việc chuẩn bị hồ sơ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao và hồ sơ Đề án thành lập quận đang được đẩy nhanh tiến độ

Làng quê khởi sắc

Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt được; thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu. Lãnh đạo xã Ninh Hiệp cho biết, xã làm tốt công tác huy động mọi nguồn lực thực hiện 19 tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, đặc biệt, chú trọng làm tốt tiêu chí NTM kiểu mẫu là thu nhập, có 1 "Thôn thông minh" và 2 tiêu chí tự chọn là an ninh trật tự và văn hóa. Giai đoạn 2010 - 2021, xã đã huy động được trên 454 tỷ đồng để xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu. Cấp ủy, chính và nhân dân Ninh Hiệp đã phát huy truyền thống địa phương, chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả thế mạnh kinh tế địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân,...


Đường phố xã Ninh Hiệp, Gia Lâm khang trang sạch sẽ

Còn tại xã Bát Tràng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao từ năm 2020 và hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 với 2 lĩnh vực tự chọn là an ninh trật tự và du lịch. Đến Bát Tràng hôm nay, 100% đường ngõ xóm có hệ thống đèn điện chiếu sáng; các trường học đều đạt chuẩn quốc gia; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Xã có 5 nơi sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng và 5/5 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”.

Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, với lĩnh vực du lịch, Bát Tràng đã được công nhận là điểm du lịch của thành phố, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.


Làng Bát Tràng đã có hơn 500 năm lịch sử

Với xã Văn Đức đến nay không còn hộ nghèo, chỉ còn 9 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân toàn xã đạt 79,52 triệu đồng/người/năm; 100% các hộ trên địa bàn xã sử dụng thường xuyên, an toàn từ nguồn điện quốc gia đảm bảo nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; giá trị thu từ trồng trọt ước đạt 650 triệu đồng/ha, nhiều diện tích cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha. Xã có 17 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao và 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao còn thời hạn, 37 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP gồm rau cải các loại, mướp hương, bầu, cà tím dài, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ... Các sản phẩm có chứng nhận OCOP hoặc đạt tiêu chuẩn VIETGAP đều có mã QR trên sản phẩm nhằm truy xuất nguồn gốc... Xã Văn Đức đánh giá tổng điểm xây dựng NTM kiểu mẫu đối đạt 96,5 điểm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng: Huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định NTM thành phố thẩm định, đánh giá, xét công nhận các xã Văn Đức, Đa Tốn, Yên Thường đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024, góp phần nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của huyện Gia Lâm lên 8 xã. Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã mang tới rất nhiều những đổi thay cho các làng quê trên địa bàn huyện Gia Lâm, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một cao hơn.


Xã Văn Đức sản xuất rau sạch, an toàn

Huy động được nguồn lực lớn

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa XXII và các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Huyện ủy Gia Lâm đã ban hành các chương trình, nghị quyết, trong đó chỉ đạo xây dựng và triển khai các kế hoạch về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2021-2025; phân công chi tiết nhiệm vụ, tiến độ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn và các thành viên triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Huyện cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành của thành phố rà soát, đánh giá tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tiêu chuẩn thành lập quận, phường, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị đề xuất với thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, huyện đã huy động được nguồn lực khá lớn cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Gia Lâm từ năm 2010 đến 2023 lên tới hơn 8.730 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2019-2023 là hơn 4.624 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã có những cách làm hiệu quả, huy động được nguồn lực lớn cho xây dựng nông thôn mới.


Gia Lâm đã hoàn thành 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao,

Ngoài nguồn vốn ngân sách, toàn huyện có trên 600 hộ dân tham gia hiến hơn 61.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, tập trung tại các xã: Lệ Chi, Kim Sơn, Đình Xuyên, Đặng Xá… và đóng góp được gần 400 tỷ đồng, hơn 18.338 ngày công lao động để làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông, kênh mương... Nhờ vậy, đến nay, huyện Gia Lâm đã đáp ứng đủ các tiêu chí và đã được UBND thành phố trình Bộ NN&PTNT hồ sơ xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, từ khi bắt tay vào triển khai, Thành phố luôn xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Ngày mai lên quận, hôm nay vẫn phải xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, song song với triển khai xây dựng để phấn đấu phát triển các xã thành phường theo định hướng chung của Thành phố, huyện Gia Lâm cần tiếp tục huy động sự tham gia của người dân để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, trong đó, quan tâm, rà soát, huy động nguồn lực đầu tư cho các xã nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.

Bảo Đan (Vietnam Business Forum)

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.