11:02:37 | 17/11/2024
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu mốc kỷ niệm 35 năm thành lập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), là dịp để các thành viên rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn mới. Sự tham dự của Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ ngày 12 đến 16/11/2024 tại Peru vừa qua tiếp tục khẳng định cam kết của Việt Nam trong hợp tác APEC, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa vì hòa bình, hợp tác và phát triển của châu Á – Thái Bình Dương và thế giới, trong đó việc Việt Nam đăng cai APEC 2027 là một minh chứng rõ nét.
Sự kiện diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi thế giới chứng kiến xu hướng phân mảnh và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cùng những dấu hiệu rõ rệt của khủng hoảng khí hậu.
Việt Nam- thành viên có nhiều đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả
Với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, năm APEC 2024 được nước chủ nhà Peru thúc đẩy 3 ưu tiên chính gồm: Thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối; Đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu; Tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.
Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 31 đã ra tuyên bố chung khẳng định tầm nhìn về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, hoà bình và kiên cường, trao quyền cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất để họ được hưởng lợi ích từ nền kinh tế toàn cầu.
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua 11 tuyên bố của Bộ trưởng và 8 văn bản chính sách kỹ thuật. Trong đó, Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại kêu gọi khôi phục hợp tác đa phương, giải quyết các thách thức kinh tế và xã hội, mang lại lợi ích hữu hình cho người dân khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Lộ trình Lima đề xuất các khuyến nghị về chính sách công để giải quyết vấn đề phi chính thức trong các nền kinh tế APEC bằng cách tiếp cận toàn diện. Công cụ chính sách kỹ thuật này được coi là kết quả quan trọng nhất của APEC Peru 2024. Bên cạnh đó là các nguyên tắc và khuyến nghị tự nguyện của APEC về bình đẳng giới và cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ và Tuyên bố Ichma về “Diện mạo mới của khu vực thương mại tự do” trong chương trình nghị sự châu Á-Thái Bình Dương.
Việc Chủ tịch nước Lương Cường tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Diễn đàn này tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực; tiếp tục củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đây cũng là dịp để Chủ tịch nước gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo APEC, trong đó có nhiều Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược của Việt Nam, góp phần không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các thành viên APEC.
Tại các hoạt động trong khuôn khổ APEC 2024, Chủ tịch nước đã nêu nhiều đề xuất mang tính chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.
“Là thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên APEC triển khai hiệu quả các định hướng và tầm nhìn của APEC. Trên cơ sở thành tựu của các năm APEC đi trước, Việt Nam sẽ chuẩn bị chu đáo cho Năm APEC 2027, hướng đến một châu Á - Thái Bình Dương hoà bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm”, Chủ tich nước Lương Cường khẳng định.
Dám nghĩ- dám làm, tận dụng cơ hội để thành công
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024 trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 31, Chủ tịch nước Lương Cường đã chia sẻ nhận định thế giới và châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua những chuyển đổi to lớn, mang tính thời đại, tác động đa chiều tới mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, APEC cần xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế thuận lợi cho phát triển và góp phần bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, khuyến khích thương mại và đầu tư toàn cầu, hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế; bảo đảm mọi quốc gia, mọi người dân đều được tiếp cận cơ hội bình đẳng và thụ hưởng một cách xứng đáng thành quả của hợp tác và phát triển. Đồng thời, cần có giải pháp cho chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, để ứng phó hiệu quả với thách thức lớn nhất của nhân loại là biến đổi khí hậu; và bảo đảm các loại công nghệ đột phá, nhất là trí tuệ nhân tạo được phát triển và ứng dụng một cách có trách nhiệm và bao trùm, thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng tinh thần lạc quan, dám nghĩ, dám làm, khả năng phát hiện và tận dụng cơ hội ngay cả trong khó khăn chính là chìa khóa để thành công. Chủ tịch nước nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp có thể tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh, sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, chuyển đổi số…; trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng các loại công nghệ đột phá để tìm lời giải cho các vấn đề cấp bách của thế giới; tham gia tích cực vào quá trình định hình luật lệ, quy định cho các lĩnh vực mới, có ý nghĩa chiến lược của kinh tế thế giới.
Đặc biệt, theo Chủ tịch nước Lương Cường, doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối, gắn kết các nền kinh tế, thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia. Chủ tịch nước đề nghị tăng cường hơn nữa vai trò, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển công nghệ, định hình luật lệ và quy định kinh tế thế giới, củng cố giao lưu nhân dân, hợp tác, hữu nghị giữa các nước.
Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định Việt Nam kiên trì các nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và vai trò trung tâm của Tổ chức thương mại thế giới; tin tưởng vào giá trị của tự do thương mại, kết nối và hội nhập quốc tế; sẽ tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch cho đến hạ tầng, logistics và các ngành công nghệ cao. Thị trường Việt Nam đã, đang và sẽ mang đến nhiều lợi ích, ưu thế mà không mấy nơi có được cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế…
Sự tham dự của Chủ tịch nước và đoàn Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC tiếp tục khẳng định cam kết của Việt Nam trong hợp tác APEC, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa vì hòa bình, hợp tác và phát triển của châu Á-Thái Bình Dương. Những chia sẻ của Chủ tịch nước tại Tuần lễ cấp cao APEC một lần nữa chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một Việt Nam năng động, đổi mới sáng tạo và là điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư quốc tế.
Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI