Hợp tác thương mại Việt - Trung khẳng định vị thế tăng trưởng vượt bậc

09:32:03 | 25/2/2025

Năm 2024, dù thương mại giữa Trung Quốc và nhiều đối tác lớn sụt giảm, thương mại Việt - Trung vẫn tăng trưởng mạnh, đạt mức hai con số, trở thành điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương.

Thương mại hai nước tăng trưởng mạnh mẽ

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 205,2 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên một đối tác thương mại của Việt Nam có quy mô kim ngạch vượt mốc 200 tỷ USD.


Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hà Vĩ ngày 09/01/2025

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn giữ vai trò là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Với dân số 1,4 tỷ người và sức mua lớn, là thị trường tiềm năng mà Việt Nam khó có thể bỏ lỡ. So với các đối thủ cạnh tranh khác, Việt Nam có lợi thế đáng kể nhờ vị trí địa lý gần gũi, giúp tối ưu chi phí vận chuyển và thời gian giao thương. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, mở ra cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Nếu xét theo từng quốc gia, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu và tiếp tục giữ vững vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong ASEAN.

Hai nước có cơ cấu thương mại mang tính bổ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều mặt hàng chủ lực như nông sản, thủy sản, điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm quan trọng như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da giày và hóa chất, phục vụ cho sản xuất trong nước.

Bên cạnh xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh, nhập khẩu từ thị trường này cũng gia tăng đáng kể, dẫn đến mức nhập siêu mở rộng. Năm 2023, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 49,35 tỷ USD, đến năm 2024 đã tăng lên 82,8 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu nông sản – nhóm hàng có giá trị đơn vị thấp – trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nguyên liệu sản xuất, máy móc, thiết bị có giá trị cao hơn. Trung Quốc cũng đã nâng cao tiêu chuẩn kiểm soát nhập khẩu, chuyển dần từ thương mại tiểu ngạch sang chính ngạch nhằm đảm bảo chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, đòi hỏi sự minh bạch và chuẩn hóa trong quy trình xuất khẩu.

Chính sách thúc đẩy thương mại song phương

Việt Nam và Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho thương mại song phương. Cả hai nước đều tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thúc đẩy Khu vực thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN... Đồng thời, việc nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) sẽ giúp tăng cường kết nối kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu nuôi, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản. Hoạt động thông quan diễn ra thuận lợi nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, giảm ùn tắc và chi phí logistics. Xúc tiến thương mại được đẩy mạnh với các chương trình quảng bá như Lễ hội Trái cây Việt Nam tại Bắc Kinh và Hội chợ Ẩm thực & Đồ uống châu Á 2024.... Hợp tác địa phương cũng mở rộng, tạo nền tảng kết nối với trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc.

Quan hệ thương mại Việt - Trung tiếp tục có triển vọng tích cực nhờ nền tảng hợp tác vững chắc và các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước. Đặc biệt, trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 10/2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng như: Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp và thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR, hỗ trợ giao dịch thương mại và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước…

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Trong những năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã và đang tập trung vào nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trọng tâm nhằm tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc và ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh quá trình xây dựng kho bãi hiện đại để giúp kiểm soát chất lượng, bảo quản hàng hóa tốt hơn và giảm chi phí vận chuyển, đồng thời tập trung cải thiện hệ thống giao thông kết nối cửa khẩu nhằm rút ngắn thời gian thông quan.

Bên cạnh đó, chính quyền và các tổ chức liên quan đang hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử, tạo điều kiện cho xuất khẩu trực tiếp mà không cần qua trung gian. Để tăng cường hiệu quả, các trung tâm hỗ trợ thương mại điện tử cũng được thành lập nhằm cung cấp thông tin thị trường và hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các bộ, ngành còn chú trọng nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc. Họ hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng, mã đóng gói nhằm nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thủ tục xuất khẩu cũng được đơn giản hóa nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao.

Doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ của các bộ ngành, hiệp hội kết nối trực tiếp với siêu thị, chợ đầu mối và các kênh bán lẻ tại Trung Quốc giúp giảm chi phí trung gian, được hướng dẫn tận dụng các hiệp định thương mại để hưởng ưu đãi thuế quan, giảm chi phí xuất khẩu, tối ưu hóa lợi thế thương mại.

Việc cải thiện hạ tầng, đẩy mạnh thương mại điện tử, nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối trực tiếp với hệ thống phân phối Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần. Đồng thời, hợp tác trong kinh tế số, kinh tế xanh và chuỗi cung ứng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy thương mại song phương phát triển bền vững.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)