Ngành Công Thương: Quyết tâm bứt phá

10:15:05 | 5/3/2025

Năm 2024 được coi là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của “thủ phủ công nghiệp” tỉnh Bình Dương khi xuất siêu ước đạt 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực. Đóng góp vào những thành tựu này, không thể không nhắc tới vai trò định hướng, đồng hành của Sở Công Thương tỉnh với những quyết sách đồng bộ, linh hoạt.

“Vượt vũ môn” ngoạn mục

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn bởi nhiều yếu tố. Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương tỉnh Bình Dương vẫn tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính,… Nhờ vậy, ngành đã “vượt vũ môn” ngoạn mục, đưa kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, khẳng định vị thế là một trong những địa phương xuất khẩu hàng đầu Việt Nam.


Thông qua các kênh phân phối, nhiều sản phẩm hàng hoá có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Dương đã được giới thiệu đến thị trường các tỉnh, thành trong nước và thế giới 

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực và ổn định trở lại. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy thương mại, xuất khẩu. Cơ cấu nội ngành công nghiệp cơ bản có chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% so với cùng kỳ. Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 16,94 tỷ kWh, tăng 11,4%; tiết kiệm điện 406,2 triệu kWh, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 351.640 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tỉnh cũng đã triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; thường xuyên tổ chức tiếp xúc các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương lần thứ VII, năm 2024 với kết quả có 41 sản phẩm đạt cấp tỉnh; 17 sản phẩm được công nhận cấp khu vực. Các công tác quản lý được thực hiện hiệu quả, như quản lý cụm công nghiệp; quản lý năng lượng - kỹ thuật an toàn; quản lý an toàn hóa chất; quản lý xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; quản lý môi trường ngành Công Thương,…

Chương trình Xúc tiến thương mại năm 2024 đã đạt được nhiều thành tựu đáng kỳ vọng. Tỉnh đã tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt với tổng kinh phí 350 triệu đồng; chương trình xúc tiến thương mại trong nước với kinh phí thực hiện 1,92 tỷ đồng. Kết quả thực hiện chương trình khuyến công đã thực hiện 14 kế hoạch, đề án, với kinh phí thực hiện hơn 2,79 tỷ đồng,…

Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 111-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Không chỉ vậy, ngành cũng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024, Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn năm 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Sở Công Thương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tổ chức Hội nghị nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công Thương. Theo đó, Ngành đã từng bước nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, tăng tỷ lệ số hóa hồ sơ, nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 99% và duy trì ổn định tỷ lệ 100% số hóa kết quả giải quyết hồ sơ.

Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được trong năm 2024 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sở Công Thương cũng tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Đó là phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13 - 14% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng 9 - 10% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tăng 9 - 10% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,99%.

Song song với đó, chú trọng triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, các văn bản quy phạm pháp luật của ngành. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, tham gia sàn thương mại điện tử. Triển khai thực hiện tốt các đề án khuyến công, công tác tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tin học hóa quản lý, chuyển đổi số trong ngành Công Thương nhằm đổi mới phương thức và lề lối làm việc của công chức, viên chức và người lao động.

“Bình Dương là một trong những địa phương có số lượng khu công nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 30 khu công nghiệp đang hoạt động. Nhu cầu logistics tăng cao nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất, xuất nhập khẩu. Do vậy, Bình Dương đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm logistics quan trọng của khu vực, hỗ trợ phát triển kinh tế - công nghiệp và đẩy mạnh hội nhập toàn cầu. Các mục tiêu đề ra cũng phản ánh quyết tâm của tỉnh trong việc duy trì vị thế là một trong những địa phương có hoạt động thương mại quốc tế sôi động nhất cả nước. Việc kết hợp các chiến lược về công nghiệp, thương mại, logistics và quản lý nhà nước sẽ giúp tỉnh đạt được mục tiêu này, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững trong những năm tiếp theo” - ông Hà Văn Út - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhận định.

Bình Minh  (Vietnam Business Forum)