Ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ chủ động vượt qua thử thách

14:04:34 | 9/4/2025

Là doanh nhân tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh, ông Đặng Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh đã có những chia sẻ tâm huyết về chặng đường phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ (TCMN) kể từ sau ngày thống nhất đất nước cũng như định hướng của ngành trong bối cảnh nhiều thách thức.

Với nhiều năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ và TCMN cũng như tổ chức các hội chợ chuyên ngành, ông cho biết về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp ngành này tại TP.Hồ CMinh trong 50 năm qua?

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ (TCMN) TP.Hồ Chí Minh hoạt động trong bối cảnh đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu. Các sản phẩm đồ gỗ và TCMN hầu hết được làm thủ công. Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ ngành gỗ Việt Nam chỉ sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gỗ nguyên liệu thô như gỗ tròn, gỗ đoạn. Muốn xuất khẩu, các doanh nghiệp chủ yếu phải ủy thác qua các công ty thuộc Bộ Thương mại như Barotex, Savimex,…Thị trường xuất khẩu khi ấy chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa theo hình thức trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, từ những năm 1990, khi Nhà nước bắt đầu có những chính sách mở hơn cho doanh nghiệp, TP.Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tích cực trong xúc tiến thương mại, tiếp cận máy móc, thiết bị hiện đại. Theo đó, các doanh nghiệp đã có điều kiện tạo ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới.

Từ những làng nghề thủ công, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp đã từng bước phát triển, cùng với đó là những nỗ lực của các hiệp hội ngành nghề trong việc từng bước giải phóng hàng rào thương mại. Nhờ đó đến nay, chế biến gỗ đã trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của TP.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế tốt về nguồn nguyên liệu, tay nghề của thợ thủ công và hỗ trợ từ chính quyền để mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ và tham gia vào ứng dụng chuỗi toàn cầu. TP.Hồ Chí Minh hiện nay là trung tâm sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ hàng đầu cả nước, với nhiều doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản,... Đây là thành quả của sự nỗ lực không ngừng từ cả doanh nghiệp và chính quyền vì sự phát triển bền vững của ngành.


Lễ khai mạc Hội chợ VIFA EXPO 2025

Là một giám đốc doanh nghiệp gắn bó với sự phát triển của TP.Hồ Chí Minh từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng giúp Thành phố trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước?

Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.Hồ Chí Minh, được chứng kiến và đồng hành cùng Thành phố từ những năm đầu giải phóng, tôi cho rằng thành phố đạt được vị trí như ngày nay là nhờ nhiều yếu tố cốt lõi.

Trước hết, TP.Hồ Chí Minh sở hữu vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ giao thương quốc tế, thuận tiện kết nối với các tỉnh và các khu kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như thị trường nước ngoài.

Điều đặc biệt làm nên bản sắc của Thành phố chính là con người. Người dân nơi đây luôn năng động, sáng tạo, nhất là trong giai đoạn khó khăn sau giải phóng. Họ là động lực tạo ra của cải vật chất cho nền kinh tế.

Chính sách Đổi mới năm 1986 là một bước đi lớn. TP.Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong việc thử nghiệm mô hình kinh tế mới, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các khu công nghiệp và khu công nghệ cao.

Hạ tầng giao thông cũng được tập trung xây dựng: Từ sân bay Tân Sơn Nhất, sân Cát Lái, hệ thống Metro,… đến các giải pháp công nghệ thông tin, logistics - tất cả góp phần xây dựng một TP.Hồ Chí Minh hiện đại.

Thành phố còn sở hữu nguồn nhân lực trẻ được bồi dưỡng, có trình độ, được đào tạo từ các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành công nghệ cao, tài chính, dịch vụ,...

Đặc biệt, môi trường đầu tư thông thoáng, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp chính là nền tảng để TP.Hồ Chí Minh trở thành “mảnh đất lành” cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Vai trò của đội ngũ doanh nhân cũng rất quan trọng, họ không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ông có thể cho biết Công ty CP TCMN Gỗ Liên Minh đã có những đóng góp như thế nào trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và TCMN?

Ngay từ khi thành lập, Công ty CP TCMN Gỗ Liên Minh đã xác định vai trò là đơn vị chuyên nghiệp tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại cho ngành gỗ và TCMN, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Ban lãnh đạo Công ty bao gồm các giám đốc doanh nghiệp và thành viên Ban Chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), đã xây dựng thương hiệu cho hội chợ VIFA EXPO từ năm 2008.

VIFA EXPO không chỉ là hội chợ thường niên lớn nhất mà còn là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế, giúp mở rộng thị trường, cập nhật công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Riêng VIFA EXPO 2025, hội chợ quy tụ hơn 650 doanh nghiệp với 2.500 gian hàng trên diện tích hơn 40.000m², trong đó 52% là doanh nghiệp nước ngoài đến từ 19 quốc gia. Ngoài trưng bày các sản phẩm, hội chợ còn tổ chức các talkshow chuyên ngành lớn, kết nối giao thương, tham quan nhà máy, hỗ trợ lưu trú và đón trực tiếp những nhà nhập khẩu quốc tế khi họ sang tham quan hội chợ.

Với uy tín 17 năm qua, hội chợ VIFA EXPO đã góp phần đưa TP.Hồ Chí Minh trở thành điểm đến giao thương quan trọng trong lĩnh vực nội - ngoại thất và TCMN, mở ra hàng ngàn cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.


Gian hàng trưng bày tại VIFA EXPO 2025

Ông có sáng kiến ​​gì để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc tham gia các hội chợ thương mại sắp tới?

Chúng tôi, với vai trò là đơn vị chuyên tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại ngành gỗ và TCMN, luôn quan tâm đến quyền lợi của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có đơn hàng và thu lợi nhuận, họ sẽ quay lại chia sẻ với chúng tôi.

Vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia VIFA EXPO, đồng thời kết nối họ với các đối tác quốc tế. Chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng công nghệ trong tổ chức hội chợ trực tuyến để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng toàn cầu. Ngoài ra, hỗ trợ tối đa thiết kế tổ chức cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tham quan hội chợ ở các nước phát triển, đưa thương hiệu Việt Nam lên tầm cao mới.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và chuyển đổi số, ông có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp ngành gỗ và TCMN?

Doanh nghiệp cần nhanh chóng bắt đầu với xu hướng số hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và quản trị. Việc này không chỉ giúp tăng hiệu quả hoạt động mà còn mở rộng khả năng tiếp cận toàn cầu của khách hàng. Đồng thời, cần phải đầu tư nghiên cứu - phát triển, đổi mới mẫu mã để tăng cường sức tranh trên thị trường.

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế đối ứng 46% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Theo ông, động thái này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp ngành gỗ và TCMN?

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, với kim ngạch năm 2024 đạt khoảng 8,8 tỷ USD, chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Mỹ cũng là một trong các thị trường xuất khẩu TCMN chủ lực của Việt Nam.

Động thái thuế của Mỹ chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tác động bất lợi cho các doanh nghiệp ngành gỗ và TCMN của Việt Nam. Việc tăng thuế sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và công việc của hàng trăm doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và truyền thống làng nghề.

Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh là đơn vị xúc tiến thương mại quốc tế, tiên phong trong tổ chức các hội chợ chuyên ngành gỗ và TCMN thường niên nhiều năm qua tại TP.Hồ Chí Minh như VIFA EXPO và VIFA ASEAN. Với kinh nghiệm sâu và tầm nhìn chiến lược, Tổng Giám đốc Đặng Quốc Hùng không chỉ dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng do tác động của dịch Covid-19 mà còn có nhiều đóng góp cho việc xúc tiến thương mại cho ngành gỗ và TCMN.

Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ, đây là thời điểm để doanh nghiệp chủ động minh bạch hóa nguồn nguyên liệu gốc, kiểm soát chặt truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, phòng chống gian lận thương mại. Doanh nghiệp cũng cần tập trung nâng cấp sản phẩm chất lượng cao, thay đổi thiết kế mới, xây dựng thương hiệu để tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường. Không thể chỉ phụ thuộc vào Mỹ mà cần mở rộng sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông,… đặc biệt khi Việt Nam đã ký các Hiệp định EVFTA, CPTPP và RCEP.

Tôi tin rằng với nội lực, bản lĩnh và tinh thần chủ động, doanh nghiệp ngành gỗ và TCMN Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn thử thách này, tiếp tục khẳng định vị trí thế và thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Với tư cách là một doanh nhân đã chứng kiến ​​​​và đồng hành cùng sự phát triển của TP.Hồ Chí Minh, ông có suy nghĩ gì về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng một Việt Nam thịnh vượng?

Tôi luôn tâm niệm rằng mỗi doanh nghiệp không chỉ tồn tại tại vì lợi nhuận mà còn có tinh thần trách nhiệm hành động cùng xã hội và đất nước, hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

Nhiệm vụ của doanh nghiệp ngày nay không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm, việc làm, đóng thuế mà còn phải tích cực trong công việc nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng, bảo vệ môi trường, giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, từ đó không chỉ làm giàu cho mình mà còn nâng cao vị thế quốc gia trên thế giới.

Riêng tại TP.Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước, cộng đồng doanh nghiệp càng cần thiết thực hiện vai trò tiên phong, đồng hành cùng chính quyền xây dựng một đô thị hiện đại, thông minh và nhân văn. Sự thịnh vượng của TP.HCM sẽ là hình mẫu và động lực thúc đẩy cả nước phát triển, xây dựng một Việt Nam đáng sống cho thế hệ tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Anh Đào (Vietnam Business Forum)