KCN Long Hậu với động lực phát triển chiến lược “Hướng ra biển Đông”

10:51:12 | 21/5/2010

Cùng với các dự án Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước, dự án Nạo vét luồng Soài Rạp…, dự án Khu công nghiệp Long Hậu của Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) nhanh chóng trở thành những bậc thang chủ lực trong chiến lược “Phát triển hướng ra biển Đông” của Tp.Hồ Chí Minh.

Thành phố hướng ra biển lớn

Phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh gắn liền với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước dựa trên lợi thế so sánh, vai trò và vị trí của Thành phố đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và cả nước. Để giữ vững vai trò đầu tàu, việc đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ; phát triển kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu; hiện đại hóa các ngành dịch vụ, đặc biệt là các loại dịch vụ phục vụ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa ngang tầm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. ..trở thành yêu cầu cấp thiết và cơ bản nhất cho những bước đột phá mạnh mẽ về sau.

Thực trạng trên đòi hỏi Thành phố phải tập trung giải quyết sâu sát mọi rào cản ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đô thị hóa, tạo bệ phóng vững chãi cho những bước tiến dài và xa của Thành phố trẻ năng động trong tương lai. Và chiến lược “Phát triển hướng ra biển Đông” được xem là giải pháp căn cơ hiệu quả nhất tại thời điểm này. Việc phát triển hướng mạnh ra biển Đông sẽ giúp Tp. Hồ Chí Minh mở rộng vùng không gian phát triển đô thị, tạo thêm mặt bằng mới cho Thành phố xây dựng các KCN, khu dân cư mới. Đồng thời tạo thêm một luồng tàu mới, một khu vực cảng mới gần biển hơn, cho phép tàu có trọng tải lớn hơn vào Thành phố, giải quyết được sự ách tắc khó khăn của cảng Sài Gòn hiện nay.

Quan trọng hơn, từ chiến lược này, Thành phố sẽ có điều kiện thuận lợi để xây dựng hàng loạt cầu vượt sông Sài Gòn, trải rộng giao thương và phát triển mạnh mũi nhọn kinh tế cảng, logistics

Thực tế cho thấy, các nước phát triển cũng như các nước phát triển nhanh nhất hiện nay đều có vùng ven biển luôn là vùng phát triển nhất. Các thành phố lớn phát triển ở các nước trên thế giới phần lớn đều có một cảng biển bên cạnh. Với chiến lược hướng ra biển, không chỉ có cảng biển, Tp. Hồ Chí Minh còn dự kiến phát triển cả một khu đô thị cảng biển với khu đô thị, KCN và cảng biển Hiệp Phước rộng gần 4.000 ha.

Cùng với Khu đô thị Cảng Hiệp Phước, khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn…thì KCN Long Hậu – một KCN kiểu mẫu hàng đầu Việt Nam đang được IPC đẩy mạnh đầu tư sẽ tạo thành quần thể khu kinh tế năng động nhất Tp.Hồ Chí Minh và giữ vị trí vô cùng quan trọng trong toàn bộ quá trình phát triển của Thành phố hướng ra biển Đông.

Vị trí đắc địa

KCN Long Hậu là kết quả của chương trình hợp tác phát triển kinh tế giữa Tp.Hồ Chí Minh và tỉnh Long An nhằm đô thị hóa huyện Cần Giuộc (Long An) thành một đô thị công nghiệp hiện đại ngay cạnh Thành phố; trong đó IPC chính là cầu nối quan trọng đứng ra đảm nhận thực hiện sứ mệnh này.

KCN Long Hậu nằm trong tổng thể qui hoạch Khu đô thị Cảng Hiệp Phước có diện tích 3.900 ha, thuộc khu vực chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp “hướng ra biển Đông” của tỉnh Long An và Tp.Hồ Chí Minh. Trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay có 19 KCN đang hoạt động. Nếu so sánh về sản phẩm, cũng như 18 KCN khác, Long Hậu sở hữu đầy đủ hạ tầng hiện đại cùng những điều kiện thiết yếu để các nhà đầu tư phát huy năng lực và đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên xét về vị trí địa lý, KCN Long Hậu lại nằm tại vị trí mang tầm chiến lược và có lợi thế cạnh tranh hơn so với 18 khu công nghiệp khác. Cách Đô thị mới Phú Mỹ Hưng 12km, cách sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất 25km và hai cảng container quốc tế SPCT & cảng Sài Gòn Hiệp Phước 3km, KCN Long Hậu nhanh chóng trở thành giải pháp tối ưu, điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư logistics và xuất nhập khẩu tại khu vực phía Nam, mà cụ thể là các nhà đầu tư trong KCN sẽ rất thuận lợi khi nhập nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm ra vào cảng biển. Vị trí đắc địa cũng sẽ giúp các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Long Hậu dễ dàng tận dụng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, thị trường tiêu thụ của Tp.Hồ Chí Minh.

Thêm vào đó Khu đô thị Phú Mỹ Hưng trở thành khu vực sầm uất, tập trung số lượng các chuyên gia nư­ớc ngoài, nguồn nhân lực cao cấp của Việt Nam…khiến việc đầu tư tại KCN Long Hậu dễ dàng thu hút nhân tài phục vụ cho doanh nghiệp hơn bất kỳ KCN nào khác. Còn nếu tính khoảng cách từ KCN Long Hậu đến các vùng hiện hữu của trung tâm Tp.Hồ Chí Minh (những vùng có lao động và là thị trường lớn nhất) thì cũng chưa tới 20 km. Một vị trí chiến lược, gần vùng nguyên liệu và gần vùng lao động có kỹ năng sẽ giúp các nhà đầu tư tại đây thuận tiện trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình và thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hình thành trục động lực

Để có thể hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao, IPC và Công ty CP Việt Âu đã sáng lập Công ty CP Long Hậu ( MCK: LHG) nhằm tận dụng lợi thế kết nối hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại của Tp.HCM, với mục tiêu biến vùng đất nông nghiệp nhiễm mặn của huyện Cần Giuộc (Long An) thành một tổ hợp KCN và đô thị hiện đại.

Với sự năng động cùng những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ nhân viên LHG, đến nay hơn 80% diện tích đất KCN hiện hữu và 30% khu mở rộng đã được lấp đầy. KCN cũng đã thu hút 58 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với số vốn lên đến 3.000 tỷ đồng và 79 triệu USD. Quan trọng hơn, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, LHG đã và đang biến vùng đất cần giuộc giàu tiềm năng khai phá trở thành xứ sở của các doanh nghiệp logistics với biểu hiện sống động là KCN có số lượng doanh nghiệp logistics nhiều nhất khu vực phía Nam với 16 doanh nghiệp, tiêu biểu như: Lotte Sea Logistics, Swire Cold Storage, Anfa AG…

Ông Đoàn Hồng Dũng – Tổng Giám đốc LHC khẳng định KCN Long Hậu cùng với Cảng Sài Gòn Hiệp Phước và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng sẽ tạo trục động lực đầy hấp dẫn thực hiện chiến lước phát triển công nghiệp “Tiến ra biển Đông” của Tp.Hồ Chí Minh và Long An, đồng thời sẽ thu hút một số lượng rất lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng vững vàng cho những đột phá trong tương lai.

Cũng theo ông Dũng, trên cơ sở xác định rõ năm 2010 là thời điểm nền kinh tế bắt đầu hồi phục, nhiều nhà đầu tư thuê đất để phát triển sản xuất nhằm đón đầu nền kinh tế phục hồi trong các năm sau nên LHG sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm mới và thị trường. Cụ thể, sẽ tiếp tục thực hiện dự án KCN Long Hậu 3, đầu tư mới KCN trên địa bàn giáp ranh Tp.Hồ Chí Minh, phấn đấu đến năm 2012 sẽ mở rộng thêm hơn 1.650ha tại huyện Cần Giuộc.

Hiện nay, KCN Long Hậu đang tiếp tục triển khai dự án Khu Đô thị CN Long Hậu 3 với tổng diện tích 1.650ha tại huyện Cần Giuộc.

Chiến lược “phát triển kinh tế hướng ra biển Đông” thể hiện khát vọng lớn lao của người dân Tp. Hồ Chí Minh và khu vực miền Tây Nam Bộ trong hành trình chinh phục tự nhiên, mở rộng không gian sống cũng như sản xuất; hướng tới một cuộc sống sung túc, tốt đẹp hơn. KCN Long Hậu – một trong những mũi nhọn chiến lược trong hành trình vươn ra biển Đông này cũng đang mạnh mẽ khẳng định vai trò của mình, tạo thế và lực cho những hành trình khai phá về sau.

Anh Đào