15:51:56 | 14/3/2014
Nhằm lấy lại sức bật, đà tăng trưởng, phá bỏ các lực cản trong nội tại nền kinh tế là những nội dung chính trong Hội thảo “Cải cách thể chế: Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
“Có” nhưng chưa làm
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, năm 2014 được xác định là năm phải tạo được bước đột phá mới trong xây dựng, cải cách thể chế. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chúng ta cần phải áp dụng những giải pháp nào để mang lại hiệu quả cao nhất trong từng ngành từng lĩnh vực. Thời gian không còn nhiều và chủ chương cải cách không thể trì hoãn hơn được nữa. Nếu chúng ta không đổi mới tư duy, quan điểm phát triển thì nền kinh tế chỉ giữ ở mức tăng trưởng thấp, việc hình thành nền kinh tế thị trường đầy đủ chỉ dừng lại ở trên giấy.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Đề án nghiên cứu Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai, dự kiến gồm có 5 chuyên đề: Chuyên đề 1 là đổi mới tư duy, quan điểm phát triển của Việt Nam, tập trung nghiên cứu luận điểm đổi mới tư duy, quan điểm phát triển kinh tế và xác định rõ những ngành, những lĩnh vực trọng tâm cần phát triển; Chuyên đề 2 đề cập đến vấn đề cải cách toàn diện thể chế kinh tế, chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Chuyên đề 3 là đổi mới việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong điều hành kinh tế; Chuyên đề 4 là đổi mới thể chế phát triển hệ thống tài chính và cuối cùng là chuyên đề cải cách thể chế dịch vụ công, để xác định rõ Nhà nước làm đến đâu và tư nhân làm đến đâu.
Cùng tâm trạng lo lắng như Bộ trưởng Vinh, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan băn khoăn: “ Thời gian thì quá gấp gáp, trong khi nguồn lực thì quá phân tán và bị phân bố không đồng đều”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ, vấn đề cải cách thể chế mặc dù đã đi vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI nhưng thời gian đã trôi qua nửa nhiệm kỳ, giờ chúng ta lại tiếp tục mang ra bàn, thật lãng phí thời gian và trí tuệ. Điều còn đáng lo hơn là, chúng ta có đưa vào Nghị quyết, nhưng chỉ để bàn luận, mà không triển khai. Chính cách nói nhưng không làm đã khiến niềm tin bị lung lay, bà Lan đặt vấn đề.
Chia sẻ quan điểm với các nhà kinh tế, Bộ trưởng Vinh cũng thừa nhận, mặc dù chúng ta đã chọn đúng 3 đột phá, nhưng từ sau khi Đại hội kết thúc không có một văn bản chi tiết nào để thực hiện cụ thể. Do đó đến nay, chưa thực sự đột phá được cái gì. Mới chỉ tạo được bước chuyển ban đầu, chứ chưa đủ lực để tạo bước ngoặt cho toàn bộ hệ thống nền kinh tế Việt Nam.
Đổi mới và cơ chế thị trường
Kinh tế thị trường là thước đo quan trọng nhất để điều tiết, phân bổ nguồn lực của đất nước, Nhà nước và xã hội một cách hiệu quả nhất. Chúng ta cần loại bỏ tư duy phân bố nguồn lực bằng ý chí chủ quan để nhận lấy hiệu quả thấp. Mặc dù đã có thời gian quá độ nhưng về bản chất nền kinh tế Việt Nam vẫn thực sự là nền kinh tế thị trường, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Nhận diện về vấn đề này, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung chỉ ra rằng, hiện nay tồn tại nhiều méo mó trong thể chế của Việt Nam. Nổi bật hơn cả là việc phân bổ không hợp lý vốn đầu tư của nhà nước. Điều này kéo theo hệ quả đẩy cung lên quá nhiều, đầu tư lớn, vượt khả năng cân đối, Chính phủ phải đi vay nợ nước ngoài, bội chi, phát hành trái phiếu nước ngoài… tất cả hệ quả xấu này là nguyên nhân dẫn đến lạm phát, đẩy lãi suất lên cao. Vô hình làm chi chí đầu tư lớn, khiến khu vực tư nhân do không có sự bao bọc của ô nhà nước thì khó phát triển. Lợi ích nhiệm kỳ, lợi ích nhóm cũng góp phần làm mất cân đối nền kinh tế. Các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương, cấp bộ có quá nhiều chính sách bênh vực cho doanh nghiệp nhà nước. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước lại chưa vận hành theo đúng quy luật thị trường, làm ăn thua lỗ thì chờ nhà nước cứu viện, không trả được thuế thì hoãn, khoanh, không bị ràng buộc ngân sách, chưa tính đến chi phí cơ hội làm ăn vẫn còn mang nặng tâm lý bao cấp, trợ cấp.
Đã đến lúc chúng ta cần áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường, các doanh nghiệp nhà nước phải bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. Như vậy mới có sự đua ganh, cùng nhau phát triển, không tạo ra các lực cản cho các thành phần kinh tế, ông Cung phân tích.
Nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể cho tiến trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam, ông David Dollar, Chuyên gia cao cấp World Bank so sánh, trong cùng một chu kỳ tăng trưởng, Việt Nam phát triển kinh tế ở mức 5-6% thì ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc con số đó là 9% tỷ suất đầu tư 25%. Lý giải về sự chênh lệch con số này, chuyên gia kinh tế của WB cho rằng sở dĩ các quốc gia khác thành công hơn Việt Nam là họ có khu vực kinh tế tư nhân đủ lớn, đặc biệt có chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế phi quốc doanh này. Ông David Dollar dẫn chứng, mặc dù Việt Nam hiện thu hút được rất nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng các doanh nghiệp trong nước còn quá yếu, nên chưa tạo được chuỗi cung ứng nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Do đó, ông David Dollar đề xuất bốn lĩnh vực tái phân bố các nhân tố sản xuất giúp Việt Nam có mức tăng trưởng cao sẽ là: Từ nông nghiệp sang công nghiệp chế tạo và dịch vụ. Khi đó, năng suất lao động của người dân lớn gấp 6 lần; Từ khối phi chính thức quy mô nhỏ sang khối tư nhân hiện đại; Từ các dự án hạ tầng với tỷ lệ lợi nhuận thấp sang các dự án đầu tư công kết hợp với tỷ lệ lợi nhuận cao; Từ các DNNN kém hiệu quả sang DNNN hiệu quả hơn và sang khối kinh tế tư nhân. Ngoài ra ở lĩnh vực cải cách thể chế, chuyên gia kinh tế của WB cũng đưa ra các giải pháp cải cách gồm: Hệ thống đăng ký hộ khẩu, thị trường đất, hệ thống tài chính, quan hệ ngân sách giữa địa phương và Trung ương, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN.
Anh Phương
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.