Phát huy lợi thế, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ du lịch Việt Nam

15:41:30 | 18/8/2014

Xuất khẩu dịch vụ du lịch có vai trò quan trọng trong xuất khẩu dịch vụ thương mại của Việt Nam. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 6,83 tỷ USD, chiếm đến gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ thương mại . Nhu cầu du lịch thế giới cao và dự đoán tăng trưởng bình quân 3,3% giai đoạn 2010-2030. Dịch vụ du lịch Việt Nam cũng sẽ có tiềm năng xuất khẩu cao trong thời gian tới.

Kinh nghiệm của các nước chỉ ra rằng nếu cơ cấu xuất khẩu chỉ tập trung vào một số ngành hàng, đặc biệt là những ngành hàng có ít cơ hội để có thể tăng hiệu quả sản xuất hay nâng cao chất lượng sản phẩm thì khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững trên diện rộng. Do đó, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ (ở Việt Nam, hiện xuất khẩu dịch vụ hầu như phụ thuộc chủ yếu vào du lịch) đem lại những tác dụng to lớn về mọi mặt.


Theo Báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam được công bố mới đây, phân tích từ các số liệu cho thấy tăng trưởng giá trị xuất khẩu của ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 2008-2012 đạt 17,85% là mức tăng khá ấn tượng so với mức tăng chưa tới 3% của du lịch toàn thế giới và ở mỗi vùng Bắc, Trung, Nam đang có những cách thức phát triển khá khác biệt.

Xét trong nội địa, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Việt Nam ở vị trí 80/140 về chỉ số cạnh tranh ngành du lịch của Việt Nam năm 2013 trên thế giới, thứ 16/25 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong các chỉ số thành phần, tài nguyên văn hóa, tự nhiên và con người là những thế mạnh.

Về lợi thế và tiềm năng xuất khẩu dịch vụ du lịch của từng vùng miền, các báo cáo chỉ ra: Miền Bắc có tiềm năng lớn về du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn như Vịnh Hạ Long, Sa Pa, Tràng An (Ninh Bình)… Khách du lịch quốc tế đến khu vực miền Bắc tăng 9,9%/năm giai đoạn 2006 - 2012. Với tài nguyên du lịch phong phú, miền Trung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Giá trị xuất khẩu năm 2012 đạt gần 1,7 tỷ USD, chiếm 0,16% thị phần thế giới. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân ngành du lịch miền Trung giai đoạn 2010-2012 là 28,23%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (23,89%). Vùng Tây Nam Bộ, lượng khách cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Năm 2012 xuất khẩu du lịch của vùng đạt 1.226 triệu USD.

Một lợi thế có thể nhìn thấy rõ khi đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ du lịch là đây là ngành thu hút nhiều lao động, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Với đặc thù của mình, giá trị gia tăng mà ngành tạo ra cũng rất cao. Không những thế, phát triển du lịch còn giúp các ngành khác như nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ có thể gia tăng xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm của mình.

Bên cạnh đó, du lịch có sự liên kết cao nên góp phần tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng. Du lịch có sự lan tỏa cao, tạo động lực và thị trường cho các ngành như nông nghiệp, vận tải. Du lịch cũng góp phần bảo tồn và phát triển văn hoá, truyền thống của dân tộc.

Mặc dù vậy nhưng xét theo từng dịch vụ hỗ trợ cho du lịch thì các dịch vụ du lịch của Việt Nam đa số đều chưa có hiệu quả cao, cơ sở hạ tầng du lịch còn kém. Tuy nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú và thu hút nhưng miền Bắc chưa xây dựng được thương hiệu cho các món ăn đặc sắc của vùng nên chưa hấp dẫn được khách quốc tế. Khẩu vị các món ăn còn thuần túy địa phương, chưa cải tiến phù hợp với khẩu vị của khách quốc tế, đặc biệt ở những tỉnh vùng cao miền Bắc.

Một điểm yếu cơ bản nữa của du lịch Việt Nam đó là cơ sở hạ tầng chưa tốt. Báo cáo về năng lực cạnh tranh ngành du lịch 2013 của WEF đánh giá hạ tầng du lịch ở mức thấp (112/140). Cơ sở lưu trú ở miền Bắc dù nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao. Số khách sạn 3 sao trở lên ở miền Bắc chỉ chiếm 23% tổng số khách sạn 3 sao trở lên của cả nước. Đây cũng là hạn chế lớn trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Chất lượng của hướng dẫn viên chưa cao cũng ảnh hưởng đến kết quả dịch vụ du lịch. Theo đánh giá chung, mức độ chuyên nghiệp của các hướng dẫn viên còn thấp, thiếu các ngôn ngữ hiếm, thiếu hướng dẫn viên có chứng chỉ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Ở miền Trung, tuy có tiềm năng cao nhưng xuất khẩu du lịch miền Trung còn gặp nhiều trở ngại như sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng hướng dẫn viên chưa đảm bảo, ứng dụng công nghệ trong quản lý và quảng bá, tiếp thị còn yếu, mối liên kết trong ngành chưa tốt… Ngoài ra du lịch miền Trung chỉ tập trung tại năm tỉnh Quảng Nam (Hội An), Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, và Bình Thuận. Hiện có sự tăng trưởng đáng khích lệ đối với xu hướng du lịch tàu biển. Riêng quý I năm 2014, cảng Đà Nẵng đã đón 72 lượt tàu khách với khoảng 53.000 khách du lịch.

Ở Tây Nam Bộ thì chất lượng sản phẩm du lịch không cao,  điểm đến không hấp dẫn, hạ tầng phục vụ du lịch kém. Hạ tầng giao thông trong vùng kém cũng ảnh hưởng nhiều đến du lịch. Quảng bá du lịch yếu, còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp ở TP HCM…

Hệ quả trực tiếp có thể nhìn thấy qua chất lượng du lịch với mức chi tiêu của khách có tăng nhưng chậm và thực ra vẫn còn ở mức thấp - 105 USD/ngày, chủ yếu cho ăn uống và đi lại; thời gian lưu trú ngắn, tỷ lệ quay lại của khách thấp.

Để cải thiện tình trạng này và phát huy tối đa tiềm năng cũng như lợi thế du lịch của từng vùng miền, trong thời gian tới cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến du lịch bằng các công cụ cập nhật theo đời sống hiện đại cũng cần được nâng cấp - sử dụng các mạng mobile, mạng xã hội như Twitter,...

Ngoài ra, cần hỗ trợ các trung tâm xúc tiến du lịch viết, phát hành cẩm nang du lịch để thông tin cho du khách về du lịch vùng, thống nhất định vị sản phẩm đặc trưng của du lịch vùng và đẩy mạnh liên kết ngành, tạo điều kiện để hiệp hội du lịch và hiệp hội khác liên kết để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của vùng.

Thu Hà