Làng gốm Hiển Lễ xưa

16:23:44 | 24/9/2014

Thuộc địa phận xã Cao Minh thị xã Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc, làng gốm Hiển Lễ nằm trong trục giao thông thuỷ rất thuận tiện. Cận kề với ngã ba sông  nơi bắt đầu của những tuyến thương mại đường sông trên vùng đồng bằng Trung du Bắc Bộ, nên gốm Hiển Lễ từ lâu đã nổi danh xa gần.

Việc làm gốm vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn đất sét trắng. Khu vực này cũng là nơi có các mỏ sét có chất lượng cao để làm gốm. Làng gốm này có từ thời Hùng Vương. Cách Hiển Lễ chỉ vài trăm mét đã phát hiện được các di vật đồng, dọi xe chỉ Đông Sơn ở đầu Công nguyên và một số đồ gốm thời Hán, mộ gạch thời Đường. Hiển Lễ xưa còn gọi là Bạch Dương xã.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đón khoảng 1.230.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 10.365 lượt, khách nội địa 1.219.635 lượt, doanh thu ước đạt 499,1 tỷ đồng. Hiện, Vĩnh Phúc bước vào mùa cao điểm đón khách tham quan du lịch. Khác với mọi năm, du lịch Vĩnh Phúc năm nay đã có những thay đổi đáng kể với hàng loạt đầu tư từ cơ sở vật chất, điểm đến, cảnh quan. Du lịch Vĩnh Phúc hấp dẫn khách du lịch không chỉ những địa danh du lịch nổi tiếng mà còn khám phá những làng nghề cổ xưa.


Sản phẩm của làng gốm Hiển Lễ trước đây khá đa dạng, chủ yếu là đồ đun nấu bằng đất nung như nồi, ấm, chõ, các lọai đồ sành gia. Sành cổ của làng Hiển Lễ tìm được trong khu vực làng cũ là loại sành mỏng, mịn, màu xám đen hoặc xám xanh, hoặc nâu sẫm, chất lượng rất cao. Khoảng đầu thế kỉ 20 trở đi xu hướng sản xuất chuyên đồ gốm có độ nung thấp. Trong những năm thành lập hợp tác xã lại trở về làm sành, nhất là mặt hàng chum vại, chĩnh. Kĩ thuật sản xuất gốm Hiển Lễ và dụng cụ sản xuất đều mang tính cổ truyền đơn giản.

Ngoài ra chất liệu của đồ gốm và cách lấy đất, luyện đất của làng gốm cổ này cũng khá độc đáo, hấp dẫn  với những cách riêng của người xưa truyền lại cho con cháu sau này. Một trong những tiêu chuẩn của đồ gốm sành là khi gõ vào, tiếng kêu phải gần với tiếng kêu của kim loại, đó là thứ sành đã được nung già, chắc, mịn và được làm từ loại chất liệu tốt.

 Gốm Hiển Lễ xưa thường được các khách buôn đi thuyền đến cập ở các bến dọc sườn phía đông và nam của làng để cất hàng. Các chợ quê trong vùng thuộc tỉnh Phúc Yên cũ đều có mặt gốm Hiển Lễ, gốm Hiển Lễ chủ yếu là phục vụ tầng lớp bình dân, nhân dân lao động ở vùng quê...Ít nhiều sản phẩm gốm của Hiển Lễ đã từng có thời đóng góp vào sự phát triển của thủ công nghiệp Việt Nam nói chung và sự phát triển nghề gốm dân gian nói riêng. Khoảng cuối thế kỉ 16-18 là giai đoạn phát triển thịnh đạt của làng gốm này. Truyền thống của làng gốm cổ này đã gắn kết chặt chẽ với những nét văn hóa của người dân trong làng. Trong gia đình, vào dịp nông nhàn, đàn ông chịu trách nhiệm khai thác, vận chuyển nguyên, nhiên liệu, phụ nữ và trẻ em thì chuốt gốm tích dần cho đến khi đủ mẻ nung. Phụ nữ cũng là người chợ búa ngược xuôi các chợ làng để bán và trao đổi sản phẩm.

 Một trong những lệ tục của làng nghề là phải giấu nghề. Lệ làng qui định các thành viên trong làng không được truyền nghề cho dân ngụ cư. Nếu ai truyền nghề cho người ngoài làng sẽ bị cắt ngôi trừ ngoại, nghĩa là sẽ không có ngôi thứ  trong làng, dòng họ bị phạt vạ, dân làng xa lánh, khinh rẻ, bị cô lập, cả làng không ai giúp đỡ và tiếp xúc.Trong nghề gốm, khâu đắp lò và nung gốm là quan trọng nhất, người làng gốm không tiết lộ bí mật về kĩ thuật xây đắp lò, kĩ thuật nung gốm, hai khâu này dứt khoát không được truyền cho con rể và con gái. Khi ra vào lò thì cấm người lạ vào gần vì sợ bị đánh cắp mất bí mật của nghề nghiệp. Khi đang nung gốm, cấm đàn bà và con gái đi qua vì sợ làm ô uế lò gốm khiến cho đồ gốm trong lò bị hỏng. Người thợ đun lò phải tắm rửa sạch sẽ, cúng lễ cầu xin trời phật và tổ nghề, cấm nói tục.

Trong tục lệ ma chay, khi đám rước đi qua đình thờ tổ nghề không được đánh trống, thổi kèn, khóc lóc sợ làm kinh động đến đức tổ nghề. Nếu làm đức thánh tổ nổi giận gốm sẽ bị hư hỏng, khi nung gốm sẽ bị sống. Khi cưới xin, bao giờ nhà trai cũng phải dẫn cưới cho nhà gái ba đôi quang mây để gánh nước( bằng nồi đình) và để gánh đất làm gốm. Cô dâu còn phải dùng nồi đình( làm bằng đất) gánh nước từ ao đình( nơi thờ ông tổ nghề gốm) về nhà chồng. Việc gánh đất và nước tượng trưng cho sự hoà quyện của nguyên liệu làm gốm, tượng trưng cho sự bền chặt của tình cảm vợ chồng. Ngày nay kinh tế phát triển, những yếu tố hiện đại đã tác động không ít  đến những giá trị truyền thống gốm Hiển Lễ nói riêng và các làng gốm trên đất Vĩnh Phúc nói chung cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Ngọn lửa ở một số làng nghề gốm đã đã tắt, thay vào đó là biết bao trăn trở của những nhà quản lý làm thế nào để khôi phục lại các làng nghề truyền thống xưa. Hiện nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai đề án khôi phục lại những làng nghề nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển kinh tế và phục vụ phát triển du lịch,trong đó ưu tiên việc khôi phục làng nghề gốm cổ.

Thanh Nga