16:21:46 | 11/9/2014
Những năm gần đây, tỉnh Khánh Hoà đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển du lịch, từ đó đã tạo được những hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã có 558 cơ sở lưu trú du lịch, với 15.121 phòng, trong đó khách sạn 5 sao 8 cơ sở; 4 sao 7 cơ sở; 3 sao 37 cơ sở…Trên địa bàn hiện có sân golf 18 lỗ của Khu du lịch (KDL) Vinpearl Land và KDL giải trí Diamond Bay đã đưa vào hoạt động.
Với thế mạnh đặc trưng là biển đảo, ngành du lịch Khánh Hoà đã tập trung phát triển rất mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao kết hợp với vui chơi giải trí trên biển, tham quan và khám phá đại dương, như: ca nô kéo dù, lướt ván, mô tô nước, đua thuyền buồm thể thao, lặn biển bằng bình khí, tham quan các sinh vật dưới đáy biển bằng tàu đáy kính. Tổ chức các tour cho khách du ngoạn biển bằng thuyền buồm, tàu du lịch trong vùng Vịnh Nha Trang.
Khánh Hoà cũng đang tập trung đầu tư phát triển du lịch sinh thái núi ở phía Tây và các đảo ở ven bờ, du lịch văn hoá gắn với các lễ hội, bản sắc dân tộc để đa dạng thêm sản phẩm du lịch. Đặc biệt, Festival biển Khánh Hoà đã trở thành lễ hội thường niên định kỳ 2 năm 1 lần, được tổ chức vào các năm lẻ.
Nhìn chung, sản phẩm du lịch của Khánh Hoà đến nay đã từng bước được đa dạng hoá, chất lượng ngày càng được nâng cao, thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hoà ngày càng được khẳng định uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều sự kiện, hội nghị lớn mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Đặc biệt, dịch vụ tắm bùn khoáng nóng là sản phẩm du lịch đã có thương hiệu và nổi tiếng trên cả nước, đây cũng là sản phẩm du lịch đặc trưng của Khánh Hoà.
Những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nhưng kết quả của ngành du lịch Khánh Hoà là rất đáng khích lệ, hầu hết các chỉ tiêu về du lịch đều tăng so với cùng kỳ năm trước, từ 15- 30%. Năm 2013 doanh thu du lịch đạt gần 4 ngàn tỉ đồng với tổng lượt khách khoảng 3 triệu, trong đó du khách nội địa hơn 2,2 triệu, còn lại là khách quốc tế. 5 tháng đầu năm 2014 ngành du lịch Khánh Hoà vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao. Tính đến tháng 5/2014, Khánh Hoà đã đón 1,3 triệu lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế hơn 354 ngàn lượt, tăng 31,57% so với cùng kỳ và doanh thu du lịch đạt 2,122 tỷ đồng.
Mặc dù đã có những bước phát triển khá vững chắc, tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Khánh Hoà, ngành du lịch Khánh Hoà vẫn còn những tồn tại như: sự mất cân đối trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ khi có nhiều dự án đầu tư về dịch vụ lưu trú nhưng lại thiếu các khu mua sắm, vui chơi giải trí, nhất là các khu mua sắm về đêm. Thêm vào đó, hiện nay Khánh Hoà vẫn chưa có cảng biển du lịch chuyên dụng, còn sân bay quốc tế Cam Ranh hạ tầng cơ sở vẫn còn hạn chế. Mặc dù hiện trên địa bàn Khánh Hoà đã có trên 50 cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 3-5 sao nhưng qua thực tế cho thấy vẫn còn thiếu cơ sở lưu trú hạng này.
Hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định Khánh Hoà là một trong 7 điểm ưu tiên phát triển trong cả nước, một địa bàn du lịch có vị trí quan trọng, đặc biệt trong hệ thống tuyến điểm du lịch vùng Duyên hải Nam trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Du lịch Khánh Hoà giữ vai trò là một trong những trung tâm nghỉ dưỡng biển, đảo lớn nhất Việt Nam. Để du lịch Khánh Hoà tiếp tục phát triển bền vững và mang tính chuyên nghiệp, lãnh đạo Sở Văn hoa, Thể thao và Du lịch cho biết, Sở sẽ phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện một số nội dung, giải pháp sau:
- Một là, trong quy hoạch, thẩm định dự án phát triển phải tính đến công tác bảo vệ môi trường và sinh kế của cộng đồng. Việc khai thác tài nguyên trong hoạt động du lịch phải hợp lý, vừa khai thác, vừa quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị của nó.
- Hai là, trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo. Bên cạnh đó sẽ phát triển du lịch sinh thái núi ở phía Tây và các đảo ở ven bờ, du lịch văn hoá gắn với các lễ hội, bản sắc dân tộc để đa dạng thêm sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian lưu lại của khách.
- Ba là, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông công cộng, quy hoạch không gian công cộng, thông tin, truyền thông, năng lượng, môi trường…phải đảm bảo được tính đồng bộ, đủ điều kiện và tiện nghi phục vụ du khách.
- Bốn là, công tác đào tạo, phát triển nhân lực được tăng cường về chất lượng và số lượng, đảm bảo cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch và hội nhập quốc tế.
- Năm là, về quảng bá, xúc tiến thị trường: tập trung nâng cao uy tín thương hiệu Du lịch Nha Trang - Khánh Hoà có vị thế cạnh tranh cao trong và ngoài nước. Đồng thời, cần tập trung thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, trong đó chú ý các thị trường như: Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Nga, Đức, Canada, Nhật và Hàn Quốc.
- Sáu là, tăng cường năng lực và sự chuẩn bị thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu về mực nước biển dâng, những biến đổi thất thường về thời tiết và tác động của thiên tai khác.
Bảy là, việc phát triển du lịch biển đảo phải gắn liền với an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh trên biển.
Hoàng Ngọc
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI