15:06:11 | 10/9/2014
Là địa bàn sinh sống của 17 dân tộc, với những đặc sắc văn hóa, độc đáo kiến trúc truyền thống và phong tục tập quán khác biệt. Nơi chứa đựng nổi bật các loại hình di sản địa chất, di sản văn hoá và đa dạng sinh học. Đến nay, các nhà khoa học đã điều tra, xác định được 139 biểu hiện Di sản địa chất cụ thể thuộc đủ kiểu loại, với 15 di sản cấp quốc tế, 68 cấp quốc gia và 56 cấp địa phương và còn rất nhiều di sản hang động, hóa thạch trong các tầng đá trầm tích chưa có điều kiện nghiên cứu, điều tra, đánh giá.
Trong 4 năm qua, BQL CVĐC đã phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ triển khai xuống Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, UBND 4 huyện vùng Công viên xây dựng các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng đến cơ sở, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ tài liệu giáo dục về Công viên địa chất và di sản địa chất phù hợp cho từng đối tượng học sinh, tổ chức tuyên truyền đến từng cấp học: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND 4 huyện vùng công viên triển khai các hoạt động tuyên truyền đến từng địa phương, từng người dân cũng như khách du lịch. Công tác giáo dục cộng đồng đã đạt được những hiệu quả nhất định. Người dân địa phương đã có nhận thức cơ bản về mục đích xây dựng và phát triển CVĐC. Chính quyền và người dân địa phương đã có sự đồng thuận trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Công viên địa chất.
Người dân thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và kèm theo là lợi ích sẽ được hưởng nếu bảo vệ được đa dạng sinh học hoặc những hậu quả sẽ phải gánh chịu nếu tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại, chính là tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học bằng hương ước rừng của cộng đồng trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen quý hiếm trên CVĐC; CVĐCTCCNĐ Đồng Văn đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể như: Lập bản đồ phân bố di sản; khoanh vùng bảo vệ di sản và khoanh vùng các địa điểm khai thác đá phục vụ sinh hoạt và sản xuất; Tiếp tục nghiên cứu và khảo sát các di sản, di chỉ khảo cổ; nghiên cứu hoàn thiện các hồ sơ di sản.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung “Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản trên Công viên địa chất toàn câu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn 2030”. Quy hoạch nhằm mục đích bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ những giá trị di sản trong Công viên như một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hoá dân tộc dưới dạng 3 công viên chuyên đề: Công viên địa văn hoá, Công viên địa sinh học và Công viên khoa học địa chất. Quy hoạch đầu tư bốn trung tâm du lịch gồm: Trung tâm du lịch văn hoá lịch sử Đồng Văn; Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu Mèo Vạc; Trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ. Các chương trình nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển kinh tế địa phương đã và đang mở cửa thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh vào lĩnh vực du lịch. Hiện tại CVĐC đã và đang xây dựng, nâng cấp các điểm dừng chân, điểm vọng cảnh để phục vụ khách du lịch trong khu vực Công viên địa chất; các dự án nước sạch phục vụ nhân dân và du khách cũng đã và đang được triển khai.
Việc triển khai đồng bộ và sự phối hợp tích cực của nhà quản lý và nhân dân trong công cuộc xây dựng, bảo tồn và phát triển Công viên địa chất toàn cầu
Cao nguyên đá Đồng Văn trong thời gian qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao cuộc sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng CVĐC. Qua đó, xây dựng hình ảnh CVĐC CNĐ Đồng Văn ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn với hình ảnh ấn tượng về con người và vùng đất với nhiều khám phá mới, ở đó chúng ta bắt gặp sự hòa quyện, gắn kết chặt chẽ giữa di sản địa chất và di sản văn hóa.
Bình An