Góc nhìn khác về trách nhiệm xã hội của DNNN trước và sau cổ phần hóa
15:28:45 | 21/3/2018
Dù bận rộn với những kế hoạch IPO vào cuối tháng 3/2018, ông Vũ Thanh Sơn- Tổng giám đốc Tổng công ty Thương Mại Hà Nội vẫn dành thời gian trò chuyện với phóng viên về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bước tiếp của Hapro sau Cổ phần hóa. Lê Hiền thực hiện.
CSR không chỉ là làm từ thiện!
Thưa ông, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) vốn được các DN tầm cỡ quốc tế đặc biệt coi trọng và còn là thước đo để thực hiện những thương vụ làm ăn toàn cầu. Song ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Xin ông cho biết đánh giá của ông về vấn đề này và tại Hapro?
CSR (Corporate Social Responsibility) - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, cũng như cộng đồng địa phương và xã hội.
Thực tế, CSR không chỉ được hiểu là việc làm từ thiện của DN. CSR là một phần không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh doanh bền vững. Chưa nhìn nhận, thấu hiểu và thực hiện CSR một cách đầy đủ thì doanh nghiệp không thể nào phát triển bền vững tại địa phương, chưa nói tới bước ra thế giới với tư cách là doanh nghiệp kinh doanh toàn cầu.
Với kinh nghiệm giao thương quốc tế nhiều năm qua, Hapro đặc biệt chú ý tới yếu tố này. Đơn cử như nhiều lô hàng xuất khẩu hạt điều của chúng tôi, các đối tác nước ngoài đôi khi kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất xem có sử dụng lao động trẻ em hay người già hay không… DN nước ngoài rất chú trọng vấn đề này.
Trong suốt quá trình kinh doanh của mình, Hapro luôn đề cao đạo đức trong kinh doanh bằng cách đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tốt tới khách hàng, người tiêu dùng. Riêng lĩnh vực xuất khẩu, chúng tôi đã vươn ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực vốn là thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủ công mỹ nghệ. Doanh thu XK chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của Tổng công ty và có sự tăng trưởng tốt.
Còn tại thị trường nội địa, Hapro được biết đến là một doanh nghiệp có hệ thống bán buôn, bán lẻ (với thương hiệu HaproMart) và sản xuất 1 số mặt hàng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại Hà Nội, một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Chúng tôi cũng có hệ thống dịch vụ như nhà hàng ăn uống mang 2 thương hiệu rất thân quen đối với người Hà Nội, đó là Thuỷ Tạ và Bốn Mùa. Hay những phiên chợ Tết do Hapro tổ chức mỗi dịp Xuân về tại các huyện ngoại thành Hà Nội, cảm nhận được không khí thiêng liêng và ấm áp khi người dân tới mua sắm tại đây. Từ đó chúng tôi càng phải ý thức trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu Hapro thực sự bền vững.
Thương hiệu mang yếu tố văn hóa sẽ mãi bền vững, thưa ông?
Theo tôi để tạo nên giá trị bền vững của thương hiệu bao hàm rất nhiều yếu tố. Trước hết phải là quy mô, tính hiệu quả và tầm phủ sóng của thương hiệu đó. Tất nhiên yếu tố sản phẩm dịch vụ tốt vẫn là then chốt. Những cái tên như Thủy Tạ, Bốn Mùa, Thực phẩm Hà Nội,…đã trở nên gắn bó với Hà Nội, trở thành niềm tự hào của tập thể CBCNV Hapro. Giá trị của thương hiệu nằm ở sự thân quen khi nhắc tới, là niềm tin, sự yêu thích khi dùng sản phẩm đó. Khi một DN thổi hồn vào sản phẩm những giá trị về văn hóa thì thương hiệu đó luôn luôn bền vững theo thời gian. Câu chuyện về gốm Chu Đậu, về Vang Thăng Long…là minh chứng rõ.
Tại Hapro, chúng tôi tự hào trong nhiều năm liền đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia với hai lĩnh vực kinh doanh chính là XNK và thương mại nội địa. Trên thị trường quốc tế thì sản phẩm hạt tiêu, hạt điều, thủ công mỹ nghệ hay gạo của Hapro luôn được các đối tác tin tưởng. Còn với thị trường nội địa, với lợi thế về địa điểm chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích mang tên HaproMart len lỏi trong các ngõ nhỏ, một số tuyến phố phố trung tâm Hà Nội, dựa trên tập tính mua sắm cần sự thuận tiện của người Việt sẽ là yếu tố “sống còn” để Hapro mart cạnh tranh với thị trường bán lẻ đang rất khốc liệt ở Việt Nam.
CSR trong và sau khi cổ phần hóa DNNN
Vẫn xoay quanh về vấn đề đạo đức trong kinh doanh- một khía cạnh của CSR, áp dụng tại câu chuyện cổ phần hóa DNNN như Hapro?
Theo quan điểm của chúng tôi yếu tố then chốt chính là sự minh bạch và công khai thông tin. Là kim chỉ nam trong mọi chỉ đạo và điều hành công tác CPH tại Hapro của tập thể ban lãnh đạo. Thông tin về xác định giá trị doanh nghiệp, Phương án cổ phần hóa, địa điểm phục vụ hoạt động SXKD sau CPH của Hapro và tiêu chí, quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược,… đều hết sức minh bạch, rõ ràng. Các nhà đầu tư sẽ không thể đầu tư mua cổ phần của Hapro khi không biết rõ ràng thông tin về Tổng công ty và quá trình, quy trình CPH Tổng công ty. Tôi cho rằng với những lợi thế mà Hapro đang có, cùng với những chiến lược rõ ràng, tiềm năng mà Tổng công ty vạch ra sau cổ phần hoá và tâm lý thị trường đang hứng khởi, phiên IPO ngày 30/3 tới đây của Hapro sẽ thành công. Theo kế hoạch, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) khi tiến hành IPO sẽ có xấp xỉ 76 triệu cổ phần đấu giá công khai (chiếm 34,51% vốn điều lệ) với giá khởi điểm là 12.800 đồng/cổ phần.
Ông có khuyến cáo gì với các nhà đẩu tư đang muốn sở hữu cổ phiếu của Hapro?
Thị trường năm 2018 sẽ chứng kiến một loạt các thương vụ IPO và thoái vốn lớn. Quy mô lớn và thời gian diễn ra khá dồn dập, thị trường sẽ có rất nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư. Chúng tôi cũng có tính đến điều này. Tuy nhiên, trong danh sách này có thể thấy ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp rất đa dạng nhưng đối với hoạt động thương mại bao gồm cả quốc tế và nội địa thì chỉ có mỗi Hapro. Thế nên có thể nói chúng tôi có lợi thế mang tính cá biệt.
Ngành kinh doanh thương mại có đặc thù, tuy rằng lợi nhuận không phải là cao so với nhiều ngành khác nhưng nó lại là ngành cần thiết và sinh lời hàng ngày. Dòng tiền thu về từ hoạt động thương mại đều đều, lợi nhuận ổn định.
Chính vì vậy, có thời kỳ kinh tế khó khăn, lợi nhuận một số ngành giảm sút, dòng tiền mặt khó khăn thì hoạt động thương mại vẫn diễn ra ổn định. Đợt IPO chúng tôi sẽ thu hút nhà đầu tư quan tâm đến hoạt động đầu tư ổn định, bền vững lâu dài, không kỳ vọng lợi nhuận cao nhưng ổn định.
Những kỳ vọng đổi mới Hapro sau cổ phần hoá?
Sau cổ phần hoá, chúng tôi tin trưởng rằng Hapro trong điều kiện nguồn lực như hiện nay cộng với việc áp dụng các biện pháp quản trị chủ động của mô hình CTCP sẽ tạo ra sức bật lớn hơn. Trong đó khai thác tốt mạng lưới kinh doanh của Tổng công ty – đây là điểm mạnh Tổng công ty.
Một việc rất quan trọng khác, đó là xem xét tái cơ cấu tại các công ty con, công ty thành viên. Xem công ty nào giữ vị trí chủ đạo, có thế mạnh thì tiếp tục tập trung đầu tư phát triển, đưa những đơn vị mạnh này chiếm giữ vị trí then chốt. Còn những công ty có lĩnh vực kinh doanh không cần thiết, hoặc làm ăn yếu kém thua lỗ thì cần cơ cấu lại, thậm chí thoái hết vốn, rút hết vốn về. Kiên quyết loại bỏ những khâu yếu tạo sức nặng, gây khó khăn cho Tổng công ty cổ phần. Mục tiêu là đem lại cho CBCNV có thu nhập tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung chính là trách nhiệm xã hội của DN.