Khu đô thị Dệt may Nam Định: Đô thị hóa gắn với gìn giữ các giá trị truyền thống

11:31:04 | 26/9/2018



Sự hiện diện của khu đô thị Dệt may Nam Định không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nên những không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân Nam Định. Khu đô thị Dệt may Nam Định còn ý nghĩa to lớn trong việc góp phần chỉnh trang đô thị, kết nối hệ thống hạ tầng của Thành phố, bảo tồn tôn tạo hệ thống các công trình văn hoá có ý nghĩa lịch sử của ngành và Thủ phủ Dệt may năm xưa, mang lại môi trường sống xanh, sạch trong một cộng đồng văn minh, giảm tải nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Thay đổi diện mạo đô thị
Với hơn 100 năm hoạt động trong nội thành đô thị Nam Định, Nhà máy Dệt Nam Định đã có nhiều đóng góp quan trọng cả về vật chất, tinh thần và văn hoá đối với người dân Nam Định, trở thành biểu tượng gắn liền với nhiều thế hệ người dân và cán bộ thành Nam. Mặc dù hạ tầng và điều kiện sản xuất đã quá xuống cấp, gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng khi phải di dời ra Khu CN vẫn tạo ra những cảm xúc và tâm tư với cán bộ nhân viên nhà máy và người dân Nam Định. Do đó, ngay từ những ngày đầu, Lãnh đạo Tập đoàn và Công ty đã đặt ra yêu cầu phải trân trọng tiếp nối và gìn giữ những tình cảm tốt đẹp đó, cụ thể là thay thế sự ô nhiễm, lạc hậu bằng một cảnh quan đô thị khang trang, hiện đại văn minh, thân thiện với môi trường. Dù mới chỉ triển khai được 2 năm, nhưng đến nay, Dự án đã được người dân đón nhận, ủng hộ cũng như được các cấp ngành đánh giá rất tích cực, thể hiện qua hình ảnh đông vui, tấp nập nhưng vẫn thảnh thơi, an bình trong khuôn viên Dự án, qua những bài viết khách quan của các cơ quan thông tin đến sự tin yêu, phấn khởi của các vị lãnh đạo các thời kỳ, góp phần từng bước khẳng định sự nghiêm túc và năng lực của thương hiệu Vinatex.

Bên cạnh hàng trăm tỷ đồng được tạo ra để phục vụ công tác di dời, nâng cấp cho Nhà máy Dệt, hàng chục tỷ đồng nộp ngân sách địa phương mỗi năm, Dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn quan trọng trong cảnh quan đô thị Thành phố Nam định, không chỉ bằng những giá trị vật chất mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tinh thần, “Sau những tán cây xanh mát, những mái nhà kiến trúc tinh tế hiện đại là những công trình, hạng mục có giá trị lịch sử được giữ lại, tôn tạo nâng cấp để phục vụ đông đảo nhân dân, góp phần lưu giữ hình ảnh về một thời hào hùng của Nhà máy Dệt”. Những việc làm, sự quan tâm đó cho thấy những kỳ vọng đối với Dự án không chỉ gói gọn trong những giá trị kinh tế, việc làm, môi trường cảnh quan đô thị mà còn là sự lưu giữ những giá trị truyền thống để đóng góp tích cực vào lịch sử Thành Nam lâu dài và bền vững.

Từ ngày khởi công Dự án năm 2016, đến nay Dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Giai đoạn 1 và 2, đạt 60% tổng diện tích toàn Dự án với chất lượng, tiến độ được kiểm soát chặt chẽ và được các Cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát đánh giá cao. Ngay từ khi lựa chọn các giải pháp, vật liệu cho Dự án, chủ đầu tư đã đặt ra yêu cầu cao về chất lượng, mỹ thuật cho các nhà thầu nhưng vẫn luôn ưu tiên sử dụng các vật liệu có nguồn gốc địa phương để rút ngắn thời gian cung ứng, đảm bảo tiến độ.

Về tổng thể, hiện nay Dự án đang đi trước tiến độ dự kiến trong Quyết định phê duyệt đầu tư từ 6 đến 9 tháng, và trọng tâm trong thời gian tới là tạo điều kiện tốt nhất cho các người dân và nhà đầu tư hoàn thành xây dựng công trình trong Khu đô thị để sớm hình thành cuộc sống thân thiện với đầy đủ hạ tầng dịch vụ và môi trường xanh sạch đẹp.



Phát triển hài hòa các lợi ích
Để thực hiện di dời và nâng cấp Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định, Chính phủ đã cho phép chuyển đổi Khu đất cũ thành đất ở đô thị và thương mại dịch vụ để tạo vốn mà không sử dụng ngân sách Nhà nước. Thực hiện theo Quyết định 86 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, được sự ủng hộ và giúp đỡ của các Bộ ngành và Tỉnh Nam Định, Tổng công ty mới có được giải pháp tạo vốn theo quy định để di dời. Đây là cơ hội chuyển mình để Nhà máy Liên hiệp Dệt có năng lực sản xuất mạnh hơn, công nghệ hiện đại bền vững và đảm bảo môi trường, đảm bảo việc làm thu nhập, tăng khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy luật phát triển cũng như đòi hỏi chỉnh trang đô thị, trong điều kiện không có sự hỗ trợ từ ngân sách.

Tuy nhiên, Tập đoàn Dệt may Việt Nam luôn quan tâm đến việc góp phần với Tỉnh Nam Định chỉnh trang đô thị, bảo tồn tôn tạo các công trình, hiện vật có ý nghĩa lịch sử và gắn bó lâu dài với người dân Nam Định. Ngay từ năm 2012, Khu nhà truyền thống nơi Bác Hồ 3 lần về thăm đã được Tập đoàn Dệt may đầu tư bước đầu hơn 50 tỷ đồng nâng cấp thành Bảo tàng Dệt may để lưu giữ những máy móc thiết bị cũ, hình ảnh lao động và chiến đấu và những tình cảm của các vị Lãnh đạo, nhân dân và bạn bè quốc tế đối với Nhà máy. Khuôn viên Cây Bàng, Sân vận động Kotonkin được đầu tư, cải tạo nâng cấp. Các nhà biệt thự cũ được tôn tạo lại, Cột cờ Thành Nam, Chùa Vọng Cung cũng được dành sự quan tâm kết nối xứng đáng.

Bên cạnh đó Khu đô thị Dệt may Nam Định đã góp phần tạo nguồn tài chính, đáp ứng vốn cho dự án di dời Nhà máy Dệt; tạo thêm việc làm cho người lao động. Khu đô thị đi vào hoạt động sẽ bổ sung hệ thống các loại hình dịch vụ, thương mại, phục vụ dân cư trong khu đô thị và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Bên cạnh đó sẽ tạo cơ sở hình thành một khu đô thị khang trang, hiện đại, thân thiện với môi trường, bảo tồn được các nét đẹp truyền thống, văn hóa của địa phương, tiếp nối những đóng góp của ngành Dệt may đối với tỉnh Nam Định; bổ sung quỹ đất hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai cho thành phố, với nhu cầu về các công trình như trường học, nhà văn hóa, công viên, bệnh viện, bãi đỗ xe, sân vận động...

Có thể nói Dự án Khu đô thị Dệt may triển khai thành công sẽ là bước đột phá về hạ tầng đô thị của Thành phố Nam Định trong tương lai gần, đóng góp không nhỏ vào mục tiêu xây dựng Nam Định trở thành Trung tâm vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng.



Trong suốt quá trình chuẩn bị thủ tục và triển khai đầu tư, Dự án đã nhận được nhiều sự ủng hộ, vào cuộc tháo gỡ khó khăn của Doanh nghiệp. Bên cạnh sự hỗ trợ giúp đỡ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND Tỉnh còn có sự khẩn trương, cụ thể của nhiều Sở ngành như Tài chính, Tài nguyên môi trường, Kế hoạch đầu tư, Thuế...để tạo những điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa Dự án vào triển khai cũng như giảm bớt chi phí và thời gian cho các thủ tục hành chính. Công ty trân trọng cảm ơn và tin tưởng tiếp tục nhận được sự ủng hộ thiết thực và rộng rãi hơn nữa của các cấp Lãnh đạo và Sở ngành để có thêm cơ hội đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội và chỉnh trang đô thị tỉnh nhà.

D.B