Nhận diện thách thức, tìm động lực mới

14:11:48 | 5/4/2019


Quý I/2019 đã cán đích với các chỉ tiêu khá khả quan, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu cho cả năm nay còn gặp tương đối khó khăn.

Ấn tượng chỉ tiêu vĩ mô

TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế - đánh giá, mức tăng trưởng GDP của quý I là 6,79%, dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cao hơn quý I giai đoạn 2011-2017. Đặc biệt, so với thế giới đang có xu hướng giảm, con số trên thể hiện đà tăng trưởng cũng như nỗ lực cải cách của Việt Nam.



Đồng ý kiến, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, sở dĩ GDP đầu năm 2019 thấp hơn cùng kỳ năm 2018 xuất phát từ nguyên nhân chính do năm trước, nền kinh tế ghi nhận những doanh nghiệp (DN) FDI lớn như Samsung, Formosa... bắt đầu vận hành một số tổ hợp sản xuất, giúp GDP quý I/2018 tăng cao. Đến nay, khi những tổ hợp này đi vào sản xuất ổn định, phần gia tăng không còn. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cũng tương đối khả quan.

“Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số lượng DN thành lập mới trong quý I/2019 cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu hút FDI với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt… là những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô trong quý đầu năm” - TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.

Bên cạnh đó, quý I/2019, xuất khẩu chỉ tăng 4,7% trong khi năm ngoái tăng gần 25%. Tuy nhiên, nhìn vào chuỗi nhập siêu những năm gần đây, việc tăng trưởng này vẫn có những điểm tích cực. Chưa kể, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn suy giảm kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của nước ta là dấu hiệu đáng ghi nhận.

Nhận diện thách thức

Cùng với những kết quả khả quan của quý đầu năm, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong năm nay rõ ràng là một thách thức không nhỏ, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nhiều hơn.

Với bối cảnh trong nước, chuyên gia Đinh Tuấn Minh cho hay, đến nay, động lực tăng trưởng tương tự như Samsung hay Formosa hoặc những dự án “khủng” là chưa có. Do đó, nền kinh tế không có con đường nào khác phụ thuộc vào hai yếu tố chính là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ thêm, bên cạnh những đột phá về thể chế, hạ tầng, hai trụ cột của năm nay là kinh tế tư nhân cộng với Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này đồng nghĩa phải tiếp tục triển khai các giải pháp thực chất để tháo gỡ các khó khăn cho DN, nhất là khu vực tư nhân, biến khu vực này trở thành động lực chính, có dư địa tăng trưởng tốt nhất. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới và hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo động lực tăng trưởng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần hết sức lưu ý để tránh tình trạng giá điện tăng thì giá mặt hàng khác hùa theo; đồng thời, tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát giá mặt hàng thiết yếu. Đây là một trong những điểm chốt để ngăn chặn tình trạng cộng hưởng của việc tăng giá lên lạm phát, nhất là với các hàng hóa nhạy cảm.

Quý I/2019, doanh nghiệp thành lập mới đạt con số 28.451, tăng 6,2%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000. Thực tế này chứng minh môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Nguồn: congthuong.vn