Khu kinh tế Vân Phong: Đa ngành, đa lĩnh vực

15:08:06 | 29/4/2010

Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa được xác định là một trong những Khu kinh tế quan trọng của Việt Nam, nằm trong chuỗi các khu kinh tế Miền Trung Việt Nam; cùng với thành phố Nha Trang và vịnh Cam Ranh, Vân Phong được xác định là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế biển

Khu kinh tế Vân Phong nằm trên địa bàn 2 huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh, có tổng diện tích 150.000 ha gồm 80.000 ha mặt nước và 70.000 ha đất liền trong đó đất xây dựng khoảng 10.000 ha. Dân số khu vực này đến năm 2020 khoảng 400.000 người, trong đó dân số đô thị 275.000 người. Khu kinh tế Vân Phong gồm hai khu chức năng chính là: Khu phi thuế quan gồm Cảng trung chuyển quốc tế, khu hậu cần cảng, khu trung tâm thương mại - tài chính; khu thuế quan gồm cảng trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu du lịch, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và khu hành chính…

KKT có vũng Đầm Môn tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh là khu vực kín gió được núi cao bao bọc, có hai cửa lạch ra vào thông với Biển Đông với chiều ngang cửa lạch từ khoảng 600m – 1.500m, có độ sâu từ 20 – 27m và không bị hiện tượng bồi lấp của tự nhiên, đây là vịnh biển duy nhất tại Việt Nam có độ sâu lý tưởng để xây dựng cảng biển tiếp nhận các tàu lớn hiện đại trên thế giới. Một phần của vịnh Vân Phong có ưu điểm là có vùng nước sâu 15 – 23m chạy dọc từ xã Ninh Phước đến xã Ninh Hải huyện Ninh Hòa và cách bờ từ 400 – 900m, rất thuận lợi để hình thành các cảng công nghiệp để phát triển các ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, dầu khí… Ngoài ra, Khu vực Vịnh Vân Phong có khí hậu ôn hòa, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, địa hình phong phú, có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch biển đảo.

Do vậy, việc quy hoạch KKT Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với Cảng trung chuyển quốc tế giữ vai trò chủ đạo kết hợp phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch đô thị… là cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây và Bắc – Nam là hoàn toàn phù hợp vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của KKT. Mặt khác, với việc phát triển mô hình KKT tổng hợp ven biển sẽ rất phù hợp để phát triển mô hình kinh tế biển theo chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia.

Tạo sức hút

Tính đến nay, KKT Vân Phong đã có 84 dự án đăng ký đầu tư (24 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 60 dự án có vốn đầu tư trong nước) với tổng số vốn tương đương 15.207 triệu USD. Trong đó, dự án đã đi vào hoạt động là 27 dự án, với tổng vốn khoảng 307 triệu USD. 36 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai với tổng vốn khoảng 1.327 triệu USD, đang thực hiện thủ tục là 21 dự án, tổng vốn 13.573 triệu USD. Đặc biệt, KKT Vân Phong đã thu hút được một số dự án có quy mô lớn, có tính động lực phát triển của KKT, của vùng và của cả nước như Cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động, 186 triệu USD); kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (của tập đoàn Petrolimex, 125 triệu USD); Trung tâm điện lực Vân Phong (của tập đoàn Sumitomo, 3.800 triệu USD), tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (của Petrolimex và các đối tác nước ngoài khác, 4.800 triệu USD.

Hiện tại, Khu kinh tế Vân Phong đang triển khai một số dự án lớn như Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, các khu du lịch sinh thái, kho xăng dầu ngoại quan, nhà máy nhiệt điện than, tổ hợp lọc hóa dầu, khu đô thị ven biển Tu Bông … Trong tương lai không xa, khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và của cả khu vực nói chung.

Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2010, Khu kinh tế sẽ được ưu tiên xây dựng Cảng trung chuyển container quốc tế với công suất 0,7 triệu TEUs; Cảng chuyển tải dầu công suất 1,5 đến 2 triệu tấn; Tổng kho xăng dầu ngoại quan công suất 0,5 triệu tấn; cơ sở hạ tầng đường bộ từ quốc lộ I đến Đầm Môn; đường sắt vào cảng. Xây dựng các hồ chứa nước Hoa Sơn, Đồng Điền, Tiên Du; hệ thống cấp điện 110 KV và trạm 110 KV tại Đầm Môn; và thực hiện các dự án dịch vụ, du lịch, thương mại.

Đồng thời tại đây cũng tiến hành quy hoạch các Khu chức năng: Theo đó, Khu Bắc Vân Phong: Cảng trung chuyển container quốc tế giai đoạn tiềm năng khoảng 750 ha, giai đoạn đến năm 2020 khoảng 400 ha, giai đoạn đến năm 2015 khoảng 125 ha, giai đoạn khởi động 41,5 ha; Khu hậu cần cảng và trung tâm thương mại đa chức năng khoảng 950 ha; Khu du lịch bãi Cát Thấm 295 ha, Khu du lịch bãi Hồ Na 150 ha, Khu dịch vụ hỗn hợp và du lịch Tuần Lễ-Hòn Ngang 920 ha; Thị trấn Vạn Giã 500 ha, Khu đô thị mới Tu Bông khoảng 2.000 ha; Khu công nghiệp Vạn Thắng khoảng 144 ha. Khu Nam Vân Phong: Kho xăng dầu ngoại quan khoảng 80 ha; Khu công nghiệp đóng tàu khoảng 345 ha, Khu công nghiệp điện khoảng 175 ha, Khu công nghiệp Ninh Thủy khoảng 207 ha; Khu du lịch Dốc Lết khoảng 175 ha; Thị trấn Ninh Hòa 500 ha, Khu đô thị mới Đông Bắc Ninh Hòa khoảng 550 ha, Khu dân cư Ninh Long - Ninh Thủy khoảng 500 ha.

Minh Thu