Doanh nghiệp tư nhân: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

15:48:55 | 3/10/2019

Không chỉ ở trên thế giới mà ngay tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Có thể nói, trên đà phát triển như hiện nay, doanh nghiệp tư nhân chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Lực lượng ngày càng hùng mạnh

Doanh nghiệp tư nhân được hiểu là những doanh nghiệp (DN) nằm ngoài quốc doanh, bao gồm DN trong và ngoài nước với trên 50% vốn đầu tư là của tư nhân.

Theo thống kê, số lượng DN tư nhân gia tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 vào năm 2018 và đạt 743.409 vào cuối quý I năm 2019. Trong đó, phong trào khởi nghiệp nở rộ, với khoảng 3.000 DN khởi nghiệp sáng tạo vào năm 2018. Tổng vốn đăng ký mới tăng từ 1.295.911 tỷ đồng vào năm 2017 lên 1.478.100 tỷ đồng vào năm 2018. Mỗi năm (2017 và 2018), có hơn 1,1 triệu việc làm mới được tạo ra. Riêng quý I năm 2019, 375.500 tỷ đồng vốn đầu tư mới và gần 320.000 việc làm mới đã được bổ sung vào nền kinh tế. Quy mô của nhiều DN ngày càng mở rộng, một số DN đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động.

Khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 40% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng của DN tư nhân (không tính loại hình cá thể, hộ gia đình) đạt gần 12% vào năm 2017, cao hơn mức chung của nền kinh tế cùng năm (6,81%); khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế tập thể chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 32,26% vào ngân sách nhà nước năm 2017 và 38,20% năm 2018, vượt đáng kể so với mức 29,43% của 2016.

Bên cạnh đó, tính đến đầu năm 2019, cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chiếm hơn 30% GDP, có hộ còn sử dụng đến hàng trăm lao động… nhưng không được xem là DN.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có thể nói khu vực tư nhân không chỉ bao gồm gói gọn trong hơn 700.000 DN mà còn bao gồm cả khu vực kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể và DN FDI, như vậy con số kinh tế tư nhân đã chiếm đến 61% GDP chứ không phải là con số 10% khiêm tốn như cách tính hiện nay. Đồng thời, nếu nói khu vực kinh tế tư nhân theo nghĩa rộng như vậy thì khu vực kinh tế tư nhân đang đóng vai trò quan trọng, chủ lực của nền kinh tế Việt Nam.

Với vị thế ngày càng được khẳng định, đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng tiên phong thúc đẩy kinh tế của đất nước phát triển. Họ đóng vai trò chủ chốt trong DN, luôn nỗ lực vận hành và phát triển doanh nghiệp sao cho tốt nhất, đem lại nhiều giá trị kinh tế và xã hội. Không chỉ mang về nguồn doanh thu lớn, đội ngũ doanh nhân còn tạo công ăn việc làm ổn định.

Phát huy vai trò động lực phát triển kinh tế trong kỷ nguyên 4.0

Theo ông Vũ Tiến Lộc, sự phát triển của đất nước phụ thuộc nhiều vào khát vọng kinh doanh, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dấn thân của đội ngũ doanh nhân. Trong thời đại hiện nay, vị thế của một quốc gia, dân tộc trước hết phụ thuộc vào vị thế kinh tế. Trong khi đó, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN. Trên thực tế, những thành tích về tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm qua cũng đã khẳng định sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN…

Đặc biệt, trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) bùng nổ, việc ứng dụng công nghệ, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhằm đưa DN phát triển bền vững, bảo vệ môi trường… Cuộc CMCN 4.0 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để rất nhiều DN vươn ra thế giới. Đây sẽ là bánh xe lớn thúc đẩy DN nhảy cao hơn, xa hơn hoặc sẽ bị tụt lại. Vậy tương lại của doanh nghiệp ra sao, tất cả phụ thuộc vào người “chèo lái con thuyền”- những người lãnh đạo, tầng lớp ông chủ của DN.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, doanh nhân là những người mang tính quyết định cần phải sáng suốt, biết chớp lấy thời cơ, đồng thời hạn chế những thách thức do tác động trái chiều của CMCN 4.0 mang lại. Người chủ DN cần phải hoạch định cho DN chiến lược bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, năng lực quản trị công ty… để xây dựng DN phát triển bền vững, đem lại nhiều giá trị cho xã hội cũng như tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Có thể nói, đội ngũ doanh nhân đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN Việt Nam có một điểm rất đáng quý là có tinh thần khởi nghiệp, tinh thần sáng tạo cao và Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những nước có tinh thần khởi nghiệp cao trên thế giới. Đây chính là lý do vì sao, DN tư nhân mà đại diện là đội ngũ doanh nhân được xem là động lực để phát triển kinh tế.

Giang Tú